Sở dĩ Bảo tàng Ama H’Mai được dựng lên giữa khu dân cư là bởi toàn bộ những hiện vật đang lưu giữ đều gắn với đời sống vật chất và tinh thần của người DTTS ở Tây Nguyên. Đến với bảo tàng người tham quan cảm thấy như đang ở trong một ngôi nhà dài truyền thống mà gia chủ là một người DTTS giàu có và trí tuệ.
Với hơn 1.000 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý, hiếm mà theo nhận định của các chuyên gia, thì có tiền chưa chắc đã tìm mua được. Đó là những hiện vật mà chủ sở hữu chỉ có 1 độc bản rồi đem trao tặng Bảo tàng, mong được gìn giữ. Rất có thể người xem sẽ lần đầu được nhìn thấy bộ áo giáp truyền thống của tù trưởng được ví như các Mtao, vua nước, vua lửa hùng mạnh đã đi vào trường ca, trở thành huyền thoại lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Là những bộ bọc chiêng bằng mây đan thủ công có hình như hoa văn thổ cẩm, giúp việc vận chuyển và bảo vệ chiêng dễ dàng không bị hư hỏng. Hay những cuốn sách về luật tục của người DTTS, những tài liệu cổ đã ngưng xuất bản, hoặc những trang nghiên cứu lịch sử Đắk Lắk từ thế kỷ trước, được dịch từ các tài liệu của những người “khai thiên lập địa” ra nơi này...
Bên cạnh sách, tài liệu, hình ảnh, một số hiện vật như thuyền độc mộc, nồi đồng, nồi đất gốm... tất cả đều là đồ cổ, thì nổi bật trong bào tàng là rất nhiều ché. Ché là phương tiện gắn kết cộng đồng, dòng họ, cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, nhắn nhủ, giao kết duyên phận gái trai của người Ê Đê. Trong bảo tàng, ché là điểm nhấn dễ thấy. Có đến hàng trăm loại ché khác nhau, xếp theo thứ tự từ ché quý nhất đến ché sử dụng bình thường. Đó là: ché tuk, ché tang, ché ba, ché bô, ché jăn, ché duê, ché kriăk… Xem ché, công chúng sẽ hiểu lối sống tự cung, tự cấp xưa nên cùng một loại ché, nhưng tên gọi khác nhau theo vùng cư trú.
Chị H’Len, buôn Krông B, xã Ea Tur, TP. Buôn Ma Thuột nói: “Những chiếc ché quý đựng rượu cần được xem như một vật thiêng được đổi bằng vật của gia đình như voi, heo, bò hoặc trâu cho thương lái từ các vùng miền đến. Đối với gia đình chị, khi xưa ông bà cũng đã đổi 1 cái ché quý trên thân đắp nổi 2 dây thừng và bộ bát tiên gồm: Quạt ba tiêu, thanh kiếm, ngọc bảo, gậy trúc, bầu rượu để lấy một con voi. Và đổi một ché tang brăk thuộc dòng ché tang cũ, để lấy 4 con bò.”
Hàng trăm hiện vật mang trên mình nó từng đó thông điệp riêng. Nhưng thông điệp chung mà chủ nhân của Bảo tàng hướng đến là phục sinh những giá trị văn hoá của cha ông để lại. Qua đó, giáo dục ý thức yêu quý, tự hào về di sản văn hóa cho lớp trẻ ở buôn làng.
Theo ông Mẫn Phong Sơn, chủ Bảo tàng Ama H’Mai, ông không phải là một chuyên gia về lịch sử, khảo cổ, hay cán bộ bảo tàng, nhưng bằng sự trân quý văn hoá các DTTS Tây Nguyên, ông mong muốn đóng góp chút sức mình để gìn giữ, phát huy những di sản văn hóa nơi mình sống.
Vì những đặc trưng đó mà những vị khách đến tham quan bảo tàng của ông chủ yếu là người dân trong buôn. Mỗi người đến Bảo tàng lại có những trải nghiệm riêng. Đối với người già, đây chính là nơi được trở về ký ức khi ngắm nhìn những hiện vật rất quen thuộc như bộ công cụ sản xuất rìu, dao, xà gạc... Những bộ chén ăn cơm làm bằng vỏ quả bầu khô, nồi đất nấu cơm... Khách đến đông nhất là buổi sáng, khi Bảo tàng có người phục vụ pha chế cà phê. Họ cũng sẽ được uống cà phê theo phong cách xưa, đó là cà phê được rang trên chảo lửa, rồi chế nó bằng cách bỏ bột vào bao vải ngâm trong nước nóng. Ông Mẫn Phong Sơn nói: “Chỉ cần thấy các cụ già thích thú khi nhìn lại đồ vật xưa rồi vui vẻ kể về đồ vật đó, thế là chủ nhân bảo tàng cảm thấy mọi khó khăn của cuộc sống đã được bù đắp”.
Thực tế cho thấy cuộc sống hiện đại đã làm thay đổi diện mạo buôn làng Tây Nguyên hôm nay. Nhiều buôn buôn làng của đồng bào DTTS ở Tây Nguyên hôm nay còn rất ít nhà sàn. Bếp củi được thay bằng bếp ga, bếp điện, trái bầu đựng nước được thay bằng máy lọc nước... Vì vậy, Bảo tàng Ama H’Mai chính là nơi lưu giữ, phục sinh hồn văn hóa cổ của đồng bào DTTS của Tây Nguyên.