Trong thời gian tạm dừng đón khách này, nhiều bảo tàng, di tíchđang tích cực xây dựng, phát triển những nội dung tham quan giàu tính trải nghiệm, nhằm làm mới điểm đến di sản, tăng sức hấp dẫn với công chúng. Đơn cử như Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tập trung nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên; xây dựng kịch bản tái hiện Lễ hội đèn Quảng Chiếu; bổ sung, hoàn thiện Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”.
Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đẩy nhanh kế hoạch tái hiện Trường Quốc Tử Giám tại khu vực Nhà Thái học để du khách có những hình dung rõ nét hơn về đời sống học tập của sĩ tử và các hoạt động khoa cử thời xưa…
Trong khi đó, Bảo tàng Hà Nội dồn sức cho việc thiết kế, thi công khu trưng bày mẫu, với chủ đề “Thiên nhiên Hà Nội”. Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Văn Vệ cho biết, đây là một trong 6 chủ đề trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Hà Nội đã được UBND thành phố phê duyệt. Sau khi hoàn thiện, công chúng sẽ được tham quan, tìm hiểu những nét đặc trưng trong sự đa dạng của thiên nhiên Hà Nội thông qua hệ thống tư liệu phong phú, đặc sắc cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.
Còn tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã xây dựng Tour tham quan mới dựa trên những câu chuyện có thật về các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại Nhà tù Hỏa Lò. “Chương trình đang được chạy thử để sẵn sàng mang đến những trải nghiệm chân thực, hấp dẫn cho du khách. Cùng với “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cũng đang tập trung triển khai trưng bày “Thắp lửa yêu thương” hướng tới Kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ và 30 năm Ngày thành lập Ban Liên lạc các chiến sĩ cách mạng yêu nước tại Nhà tù Hỏa Lò”, ông Đặng Văn Biểu, Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò cho hay.
Cùng với việc xây dựng, phát triển các chương trình tham quan độc đáo, hấp dẫn, các bảo tàng, di tích trên địa bàn Thủ đô cũng chú trọng chỉnh trang cơ sở vật chất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; tăng cường giải pháp phòng, chống dịch… nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ tại điểm đến.
Tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Phó Giám đốc Trần Hồng Hạnh cho biết, bên cạnh công tác chuyên môn, cán bộ, nhân viên của Bảo tàng còn được tập huấn các kỹ năng hướng dẫn du khách tuân thủ quy định về phòng, chống dịch, như: Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt... Ngoài ra, đơn vị sẽ duy trì việc phun khử khuẩn định kỳ; tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm trong không gian giãn cách…
Còn tại Di tích Nhà 48 Hàng Ngang cũng đang được xử lý ẩm mốc, cải tạo các hạng mục xuống cấp. Trước đó, Nhà lưu niệm Bác Hồ tại phường Vạn Phúc (quận Hà Đông) cũng đã hoàn thiện việc tu bổ, tôn tạo, sẵn sàng đón khách tham quan ngay khi được mở cửa trở lại.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương:
Thời gian qua, Sở đã có nhiều văn bản yêu cầu các bảo tàng, di tích tăng cường những biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; sẵn sàng phục vụ công chúng và du khách ngay khi được phép mở cửa trở lại. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Vệ sinh khử khuẩn các phòng, ban, khu vực làm việc; bố trí nước rửa tay sát khuẩn, phát khẩu trang miễn phí cho du khách. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát cán bộ, nhân viên, người lao động tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 và thông điệp "5K" của Bộ Y tế.