20 giờ ngày 7/9, bão số 3 (bão Yagi) đang quần thảo trực tiếp các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Đông Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội, sức gió mạnh nhất cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 12.
Tính đến 17 giờ ngày 7/9, bão số 3 (Yagi) đã làm 4 người chết (Quảng Ninh 3 người, Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người). Về tài sản, 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải đứt neo trôi dạt. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng. Nhiều nhà ở hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh ngã đổ tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia lúc 19 giờ ngày 7/9, vị trí tâm bão vào khoảng 20,9 độ vĩ bắc; 106,0 độ kinh đông, trên đất liền Hải Dương. Sức gió mạnh nhất: Cấp 10-11 (89-117km/giờ), giật cấp 13.
Chiều 7/9, bão số 3 đã đổ bộ đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng. Từ sáng 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá có khả năng xuất hiện một đợt mưa lớn với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7/9; phía Tây Bắc Bộ từ tối ngày 7/9 đến đêm 8/9). Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hoá)-2,0m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7/9 và nước rút do bão, khoảng 0,5m (Thanh Hoá)-1,0m (Quảng Ninh) xuất hiện vào sáng ngày 7/9.
Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.
Trong những giờ tiếp theo, cơ quan chức năng khuyến cáo đối với tuyến biển, đảo, duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; đồng thời đảm bảo an ninh, an toàn cho khu sơ tán dân, cũng như nơi neo đậu tàu thuyền, lồng bè; kiên quyết cấm đường đối với khu vực ven biển đến 20h, tại khu vực Hà Nội đến 22h ngày 7/9.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng yêu cầu đảm bảo hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; không để người dân quay trở về nhà yếu khi bão chưa tan. Khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn...
Quảng Ninh: 3 người chết, 58 người bị thương do bão số 3
Tại tỉnh Quảng Ninh, theo thống kê của Công an tỉnh Quảng Ninh, tính đến 17h chiều 7/9, bão Yagi (bão số 3) khiến 3 người chết, 58 người bị thương, 6 người mất tích.
Ngày 7/9, tại khu neo đậu, tránh trú bão trên vụng Bồ Nâu (vịnh Hạ Long), tàu lai dắt Hồng Gai của Công ty cổ phần cảng Quảng Ninh đứt dây neo và bị cuốn ra biển. Lúc này trên tàu có 7 thuyền viên, trong đó 1 người bị rơi xuống biển và tử vong (hiện đã vớt được thi thể lên bờ); 6 người còn lại đang mất liên lạc; tại TP. Hạ Long 1 người chết do bị mái tôn sập; tại TP. Cẩm Phả 1 người bị chết trong khi chằng chéo mái nhà.
Về tài sản, ở TP Hạ Long, 1 tàu du lịch bị đắm khi neo đậu tại âu tàu; 1 cần cầu nặng 300 tấn đổ vào phân xưởng của Công ty Đóng tàu, làm gãy đôi nhà phân xưởng. Tại huyện Cô Tô, 13 tàu bị đắm khi đang neo đậu tại âu cảng (gồm 12 tàu vỏ xi măng, 01 tàu vỏ gỗ), thiệt hại ước tính khoảng 2 tỷ đồng.
Trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ninh cũng có hàng trăm nhà dân bị tốc mái, hàng nghìn cây xanh, cột điện, biển báo bị gãy, đổ...
Chiều 7/9, tại Hạ Long (Quảng Ninh) vẫn còn mưa lớn kèm gió xoáy. Thành phố ngổn ngang những công trình bị bão đánh sập, hư hại.
Hiện, tỉnh Quảng Ninh đang rơi vào tình trạng mất điện, mất sóng điện thoại di động ở nhiều vùng.
Hòa Bình đã sơ tán 476 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm
Tại Hòa Bình, đã sơ tán 476 hộ dân nằm trong khu vực nguy hiểm. Cụ thể, thành phố Hòa Bình 121 hộ; các huyện: Lương Sơn 19; Tân Lạc 108; Kim Bôi 19; Yên Thủy 60; Lạc Sơn 125; Lạc Thủy 24.
Thiệt hại về nhà ở có 178 hộ bị tốc mái; Thiệt hại về nông lâm nghiệp tổng diện tích là 748,8ha. Nhiều tuyến đường giao thông bị hư hỏng...
Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, Ủy ban nhân dân các huyện ban hành văn bản chỉ đạo về việc ứng phó và tổ chức trực ban, cử lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện tại ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nơi xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở; hỗ trợ vận chuyển đồ đạc của những hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi trú tránh tạm an toàn.
Hiện, các ngành chức năng trong tỉnh đang nỗ lực ứng phó và khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra.
Thiệt hại ban đầu do bão số 3 tại Hải Phòng
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự thành phố Hải Phòng, tính đến 16 giờ chiều 7/9, bão số 3 trên đất liền Hải Phòng-Quảng Ninh với sức gió cấp 12, 13, giật cấp 16. Hiện, hệ thống đê điều của thành phố Hải Phòng vẫn bảo đảm an toàn, chưa có sự cố xảy ra.
Trên địa bàn Thành phố cũng đã ghi nhận những thiệt hại ban đầu về tài sản do bão số 3 gây ra. Đáng chú ý, nhiều nơi trên địa bàn Thành phố bị cắt điện, nhiều nhà dân bị tốc mái tôn, nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị ngập úng, chăn nuôi bị thiệt hại.
Tại quận Ngô Quyền, nhiều cây xanh bị gãy đổ; cột điện hạ thế bị đổ; 1 trạm biến thế trung và cao áp bị hư hỏng. Tại các huyện Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, nhiều cây xanh ven đường, cột điện bị đổ ngã đã được các cơ quan và các xã tập trung khắc phục bảo đảm giao thông; một số diện tích lúa bị ngã đổ; huyện Tiên Lãng có trang trại chăn nuôi gà quy mô 7.000 con bị tốc mái...
Tại các quận: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, Đồ Sơn, Dương Kinh và các huyện Thủy Nguyên, Kiến Thuỵ, nhiều mái tôn, biển quảng cáo bị thổi bay, cây xanh bị gãy đổ nhiều làm hư hại đường dây điện, có cả đường điện 110kV gặp sự cố.
Tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, bão số 3 khiến một cơ quan, đơn vị bị tốc mái tôn, đổ tường bao, đổ cổng, nhiều cây cối tại các tuyến đường và trong các cơ quan, đơn vị bị đổ gãy. Hiện địa phương đang tập trung khắc phục. Tại huyện đảo Cát Hải, tàu Minh Anh 01 bị mất khả năng điều động, trôi dạt tại khu neo trên vịnh Lan Hạ.
Hà Nội mưa to, gió lớn khiến nhiều cây xanh gãy đổ
Từ chiều 7/9, do ảnh hưởng của bão số 3, TP. Hà Nội hứng chịu cơn mưa lớn kéo dài từ, trong đó có nhiều thời điểm gió giật mạnh khiến nhiều cây xanh đổ gãy và người dân đi lại khó khăn.
Liên quan tới cơn bão số 3, trước đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...
Miền núi phía Bắc sẵn sàng các tình huống khi bão số 3 gây mưa lớn từ đêm nay
Bão số 3 đã đổ bộ vào đất liền. Trước dự báo hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn cho các tỉnh miền núi phía Bắc từ tối nay (7/9), các địa phương như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai… đã chủ động triển khai các giải pháp ứng phó. Hiện, các địa phương đã sẵn sàng các tình huống, khi nhiều tỉnh, thành phố đã có mưa.
Tại tỉnh Sơn La, mưa đã xuất hiện từ khoảng 23h tối qua (6/9); bước đầu ghi nhận những thiệt hại như cây xanh gãy đổ; biển quảng cáo, chậu hoa, cây cảnh của một số cơ sở kinh doanh và hộ dân ở TP Sơn La bị đổ, vỡ, gió cuốn bay; một số nhà dân ở huyện Mai Sơn, Mường La thì bị tốc mái nhà ở; nhiều diện tích ngô và cây rau màu bị đổ rạp…
Đặc biệt, qua rà soát, Sơn La có 34 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Theo chỉ đạo của tỉnh, trong ngày hôm nay, các địa phương đã, đang khẩn trương tổ chức di dời các hộ này đến nơi an toàn. Ngành Giao thông vận tải Sơn La chủ động ứng trực, sẵn sàng khắc phục khi có sạt lở xảy ra
Tại tỉnh Lai Châu, để giảm thiểu thiệt hại do hoàn lưu bão có thể gây ra, các ngành, địa phương đã thành lập các tổ công tác tiến hành kiểm tra các hồ, đập, tuyến giao thông, triển khai các phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất, theo chức năng, nhiệm vụ của mình.
Riêng ngành Giao thông – Vận tải đã tăng cường công tác tuần tra, giám sát việc thực hiện của các nhà thầu trong công tác quản lý, bảo trì đường bộ; chủ động triển khai các phương án bảo đảm giao thông khi có sạt lở xảy ra.
Đến thời điểm này, Yên Bái là địa phương ghi nhận nhiều thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3, với 108 nhà dân bị sập, tốc mái; gần 80ha ngô, lúa, cây lâm nghiệp ở các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn bị thiệt hại; trên 100 con gia cầm bị chết; 3 cột điện bị gẫy, đổ… Ước giá trị thiệt hại gần 1 tỷ đồng.Hiện, các địa phương ở Yên Bái đang tập trung khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, triển khai các giải pháp ứng phó với mưa lũ.
Mặc dù chưa ghi nhận mưa lớn xảy ra ở bất cứ địa bàn nào, nhưng tỉnh Lào Cai cũng đã chủ động tổ chức nhiều đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo ứng phó trực tiếp tại cơ sở; tập trung huy động nhân lực hỗ trợ nhân dân gia cố nhà cửa, di dời tài sản, thu hoạch lúa, hoa màu đã tới vụ thu; sơ tán các hộ trong vùng nguy hiểm ra nơi an toàn.