Ông Nguyễn Công Khương, chủ tàu công suất 410 CV số hiệu QT90479TS ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt cho biết: Thời gian này ngư dân đang vào vụ khai thác cá nam, thế nhưng tàu của gia đình ông vẫn không thể ra khơi vì thiếu lao động.
Theo ông Khương, để ra khơi được, gia đình ông cần ít nhất 12 lao động, tuy nhiên để gom được 12 người trong thời điểm này là rất khó, bởi hầu hết những người trong độ tuổi trong xã đã đi tìm việc làm khác để kiếm kế sinh sống rồi. Nếu về lâu dài không có lao động chắc cũng phải bán tàu để chuyển việc làm khác. “Sắm tàu hàng tỷ đồng mà nằm chết trên bờ, trong khi phải trả lãi tiền ngân hàng đều đặn hằng tháng thì nguy lắm”, ông Khương chia sẻ.
Cùng chung hoàn cảnh, ngư dân Nguyễn Văn Từ, ở thôn Xuân Tiến, cũng hết sức lo lắng khi tàu phải nằm bờ do không tuyển được lao động. Ông Từ cho biết: vào thời điểm này năm ngoái, tàu thuyền ra vào tấp nập mang theo nhiều hải sản tươi ngon vào bán, nhiều hộ có thu nhập khá từ biển, nay đang mùa khai thác nhưng tàu của ông và một số hộ dân đều nằm bờ. Không đi biển, không có thu nhập, cuộc sống ngư dân gặp nhiều khó khăn, kéo theo các ngành nghề như cá hấp, làm mắm, chế biến, thiếu nguyên liệu sản xuất nên cùng chung hoàn cảnh...
Thực trạng này không chỉ diễn ra ở huyện Gio Linh. Theo thống kê, trong hơn 3.200 tàu của ngư dân Quảng trị, thì có gần 1/3 số tàu thiếu hụt lao động. Nguyên nhân, thiếu lao động đi biển là do, lao động đi biển đòi hỏi phải có sức khỏe, kinh nghiệm về nghề; phải có trình độ kỹ thuật, kinh nghiệm trong khai thác; phải làm chủ được các trang thiết bị trên tàu…; công việc vất vả là vậy, nhưng thu nhập của họ rất bấp bênh, rủi ro nhiều nên nhiều người không mặn mà tham gia. Họ sẵn sàng lựa chọn hướng đi khác để tạo sinh kế như học nghề cơ khí, xây dựng hay đi xuất khẩu lao động…
Chủ tịch UBND xã Gio Việt, ông Nguyễn Thanh Thương cho biết: Xã Gio Việt có trên 50 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt trung bình mỗi năm gần 3.000 tấn cá, nhưng năm nay mới được gần 1.700 tấn. Thiếu lao động, nên nhiều chủ tàu đã phải ra tận Quảng Bình hoặc vào Thừa Thiên-Huế để thuê lao động nhưng cũng rất khó khăn.
Ông Trần Văn Quảng, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết: Hiện nay số lao động trong độ tuổi bám biển rất hạn chế, thay vì đi biển làm công họ chọn xuất khẩu lao động nước ngoài hoặc làm công ở các nhà máy, xí nghiệp... Theo thống kê Gio Linh có 1.892 người đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu tập trung ở 4 xã vùng biển như Cửa Việt, Gio Việt, Gio Hải, Trung Giang.
Trước thực trạng thiếu lao động đi biển ở một số địa phương ông Quảng cho rằng, chính quyền sẽ phải đánh giá lại thực trạng, định hướng tổng thể về số lượng tàu và nguồn lao động biển thiếu thừa như thế nào. Từ đó, sẽ cân nhắc trong việc cho đóng mới hay chỉ nâng cấp các tàu hiện tại.
Thiếu lao động đi biển trên các tàu, thuyền hiện nay vẫn là bài toán khó mà địa phương chưa giải quyết được, đó là nhận định của bà Dương Thị Hải Yến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị. Theo bà Yến, yêu cầu của người dân vùng biển là phải có thanh niên trai tráng đi biển, nhưng hiện tại, người trẻ đi xuất khẩu lao động hết, dẫn đến tàu, thuyền nằm bờ. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến mục tiêu phát triển kinh tế biển.
"Hiện nay số lao động trong độ tuổi bám biển rất hạn chế, thay vì đi biển làm công họ chọn xuất khẩu lao động nước ngoài hoặc làm công ở các nhà máy, xí nghiệp... Theo thống kê Gio Linh có 1892 người đi xuất khẩu lao động, trong đó chủ yếu tập trung ở 4 xã vùng biển như Cửa Việt, Gio Việt, Gio Hải, Trung Giang”.Ông Trần Văn Quảng,
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh
MINH THỨ