Nhân kỷ niệm 20 năm phát hành số báo đầu tiên, Báo Dân tộc và Phát triển xin ghi lại những đóng góp quý báu của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc trên mọi miền Tổ quốc dành cho Báo Dân tộc và Phát triển.
Ông Triệu Đức Phượng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh: “Tài liệu quý trong công tác tuyên truyền”
Tôi thấy rằng, trong giai đoạn hiện nay, Báo Dân tộc và Phát triển đã kịp thời đổi mới nội dung tuyên truyền, chú trọng nâng cao chất lượng tin bài, ảnh, phản ánh trung thực, sinh động mọi mặt đời sống của đồng bào vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.
Các chuyên mục trên Báo; các tin, bài, ảnh nhìn chung đều phong phú nội dung, hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Các bài viết chứa đựng nhiều thông tin bổ ích, cần thiết về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, những mô hình hay, những gương người tốt điển hình… đã là những ví dụ sát thực để đồng bào từng bước thay đổi nhận thức về kỹ thuật lao động sản xuất, phòng chống dịch bệnh, dần xóa bỏ hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa…
Phải khẳng định rằng, Báo Dân tộc và Phát triển cần phải được xem là một trong những tài liệu quan trọng trong việc tuyên truyền về công tác dân tộc ở cơ sở với mục đích nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Chúng tôi cũng đã coi Báo là tài liệu “cứng”, chính thống trong công tác tuyên truyền, vận động bà con các DTTS miền núi tỉnh Quảng Ninh.
Thực tế ở huyện Ba Chẽ, với 10 dân tộc sinh sống, phân bổ rải rác tại 75 thôn, khu phố; việc cấp phát báo đã thực hiện đến tay Người có uy tín đầy đủ, có hiệu quả. Qua tiếp cận các thông tin báo chí, bà con đã có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo cũng đã thực hiện tốt vai trò là diễn đàn phản hồi ý kiến của bà con để sửa đổi, bổ sung, xây dựng chính sách cho vùng đồng bào DTTS và miền núi hợp lý, sát đúng, hiệu quả hơn.
Ông Men Pholy, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang: “Cẩm nang tuyên truyền của Người có uy tín”
Báo Dân tộc và Phát triển ngày càng khẳng định được vai trò và lợi thế của mình trong lĩnh vực thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực công tác dân tộc, chính sách dân tộc; có nhiều bài viết chuyên sâu về dân tộc, tôn giáo. Bên cạnh đó, báo còn là tài liệu lưu trữ lâu, đồng bào có thể đọc nhiều lần và truyền tay nhau cùng đọc. Báo Dân tộc và Phát triển cũng là cẩm nang theo Người có uy tín làm tài liệu tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, có những bài báo được các vị sư, Người có uy tín photocopy phát cho phật tử và người dân với mục đích tuyên truyền. Việc này đã khẳng định rằng, thông qua những bài viết, đồng bào DTTS được tiếp cận các kiến thức trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó, khơi dậy tinh thần trong mỗi người dân ý thức tự lực vươn lên, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, xây dựng xóm làng ngày càng đổi mới, văn minh, tích cực tham gia các phong trào thi đua, góp phần cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra Báo Dân tộc và Phát triển còn kịp thời cổ vũ, động viên đồng bào thông qua các gương người tốt, việc tốt từ những việc làm cụ thể đời thường, phù hợp và rất gần với sinh hoạt của đồng bào. Bên cạnh những việc tốt, báo cũng kịp thời thông tin, phản bác những luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch lợi dụng dân tộc, tôn giáo chống phá Nhà nước ta, làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết các dân tộc.
Với những nội dung mà Báo Dân tộc và Phát triển mang đến cho vùng đồng bào DTTS trong thời gian qua đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu, nhất là những năm gần đây Báo Dân tộc và Phát triển điện tử hoạt động cùng với sự phát triển của công nghệ số, cán bộ làm công tác dân tộc có thêm một kênh thông tin hỗ trợ cho công tác dân tộc rất tiện lợi.
Bà H’Er Niê Kđăm, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk: “Cánh tay nối dài của Người có uy tín”
Huyện Cư M’gar có 24 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm 45%. Những năm qua, đời sống của đồng bào ngày càng ổn định, từng bước được nâng cao. Đó là nhờ sự quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Để có được những kết quả như vậy, ngoài nguồn lực thực hiện còn có sự đóng góp không nhỏ trong công tác tuyên truyền, mà lực lượng Người có uy tín đóng vai trò quan trọng. Thế nên, việc cấp phát Báo Dân tộc và Phát triển cho Người có uy tín không chỉ cung cấp thông tin mà còn là nguồn tư liệu mà Người có uy tín sử dụng để tuyên truyền trong đồng bào DTTS.
Hơn 10 năm làm công tác dân tộc, tôi thấy rằng tờ báo giấy vẫn đang thể hiện tốt vai trò của mình trong đồng bào DTTS. Cùng với tờ báo địa phương, Báo Dân tộc và Phát triển được bà con coi trọng, bởi ở đó thông tin chính thống, đầy đủ về các chính sách dân tộc, bản sắc văn hóa các vùng miền, gương người tốt việc hay, mô hình kinh tế giỏi… Những tờ báo giấy chính là tài liệu mà Người có uy tín luôn mang theo trong các buổi tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS. Đó cũng chính là công cụ hỗ trợ Người có uy tín thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Từ thông tin trên báo, Người có uy tín đọc, lưu giữ, rồi phổ biến cho bà con trong mỗi lần sinh hoạt cộng đồng.
Việc cấp phát báo cho Người có uy tín để làm tư liệu trong công tác tuyên truyền là rất cần thiết. Địa bàn huyện Cư M’gar rất rộng, có đông đồng bào DTTS sinh sống ở vùng sâu, vùng xa nên việc tiếp cận một văn bản, một chủ trương mới không hề đơn giản. Báo giấy là tài liệu lưu giữ dễ dàng, dễ tiếp cận và bảo quản được lâu, có thể mang đi tuyên truyền ở nhiều nơi, nhiều lúc. Tôi mong rằng, Người có uy tín vẫn tiếp tục được cấp phát báo giấy để các bác có thêm tư liệu tuyên truyền cho gia đình, người thân, cộng đồng. Đó thực sự là cánh tay nối dài của Người có uy tín tại cơ sở.
Ông Lý Việt Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai: “Thông tin chính thống nhất về công tác dân tộc”
Qua quá trình công tác tại các thôn bản, tôi thấy tờ Báo Dân tộc và Phát triển được bà con rất thích. Vì báo có rất nhiều bài viết phản ánh rõ nét, chân thực tình hình kinh tế - xã hội trong cả nước; nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Quan trọng hơn, đó là cách viết của Báo rất gần gũi với bà con nên bà con dễ tiếp thu, dễ học theo và làm theo những mô hình hay, những tấm gương điển hình.
Trong công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc ở cơ sở, tờ Báo Dân tộc và Phát triển được chúng tôi coi như là một “cẩm nang” để tuyên truyền, vận động bà con Nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là vận động bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo thông qua những tấm gương của đồng bào cả nước.
Về cơ bản hình thức Báo Dân tộc và Phát triển được in rất đẹp và bắt mắt. Trên Báo đã có đầy đủ các chuyên trang, chuyên mục như: Thời sự, kinh tế, pháp luật, gương người tốt việc tốt, chính sách dân tộc… Thông tin trên Báo là thông tin chính thống về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Thế nên, tôi mong muốn Báo sẽ tăng cường hơn các tin, bài về giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; những cách làm hay, những gương điển hình trong việc phát huy, khai thác bản sắc văn hóa phát triển du lịch.
Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang tập trung triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; đây là một Chương trình rất lớn và được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Tuy nhiên, để Chương trình đạt kết quả cao thì rất cần có sự đồng thuận của người dân. Chính vì vậy, tôi mong muốn thời gian tới báo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình MTQG đậm sâu hơn, rõ nét hơn, dung lượng nhiều hơn.
Chị Hoàng Thị Hà, Chuyên viên phụ trách công tác dân tộc, Văn phòng UBND Quận 10, TP. Hồ Chí Minh: “Học và làm theo báo để tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo địa phương”
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí nói chung, Báo Dân tộc và Phát triển nói riêng đã khẳng định rõ hiệu quả trong việc tuyên truyền, phát triển vùng đồng bào DTTS trên địa bàn cả nước. Đồng thời cũng là kênh để đồng bào chia sẻ tâm tư, nguyện vọng cũng như phản ánh những bất cập cần giải quyết trong cuộc sống. Đặc biệt, đây là ấn phẩm không thể thiếu đối với những người làm công tác dân tộc tại cơ sở.
Tuy vẫn có một số hạn chế về tin tức thời sự, tin nóng xã hội… nhưng cái được lớn nhất ở Báo Dân tộc và Phát triển là luôn có vị trí riêng biệt trong lòng độc giả, đặc biệt là những người làm công tác dân tộc như tôi. Báo có thế mạnh là những bài tuyên truyền chính sách với thông tin chính xác, những bài về nghiên cứu, bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc chuyên sâu, đặc sắc. Hơn hết, thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên Báo; đồng bào hiểu hơn về giá trị văn hoá, bản sắc của dân tộc, nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của mỗi dân tộc, trong đó có chữ viết, tiếng nói mẹ đẻ, lễ hội truyền thống. Đặc biệt là phong tục tập quán về tôn giáo, tín ngưỡng.
Qua Báo Dân tộc và Phát triển, bản thân tôi có thêm được nhiều kiến thức chuyên môn, góc nhìn phong phú về đời sống của đồng bào dân tộc trên khắp cả nước. Đặc biệt, tôi còn biết thêm nhiều cách làm hay, mô hình độc đáo để từ đó có thể tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp phát triển vùng đồng bào DTTS cho các cấp lãnh đạo, áp dụng phù hợp tại địa phương. Nói cách khác, học theo báo, làm theo báo đã thực sự mang lại hiệu quả cho những người làm công tác dân tộc ở cơ sở.
Ông Kpă Đô, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai: “Kênh thông tin hữu ích giúp cơ quan quản lý Nhà nước tiếp thu, điều chỉnh chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của bà con”
Báo Dân tộc và Phát triển là một kênh thông tin hữu ích của cơ quan quản lý Nhà nước cũng như bà con DTTS cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng. Đây cũng là cẩm nang về đường lối, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước; là diễn đàn hay để đồng bào cả nước cùng trao đổi, học hỏi lẫn nhau.
Báo đã kịp thời tuyên truyền về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; tuyên truyền về Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II; các vấn đề thời sự về phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, gương người tốt - việc tốt; khởi nghiệp, làm giàu; tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho đồng bào không nghe, không theo kẻ xấu xúi giục... Đồng thời, đây cũng là kênh thông tin hữu ích giúp cơ quan quản lý Nhà nước tiếp thu, điều chỉnh chính sách dân tộc phù hợp với thực tiễn và nguyện vọng của bà con.
Khi đón nhận tờ báo giấy Báo Dân tộc và Phát triển trên tay, đồng bào nơi đây rất phấn khởi, chia sẻ thông tin bởi tờ báo rất phù hợp với thị hiếu của bà con, bắt mắt về màu sắc, hình ảnh, chữ rõ ràng; nội dung phù hợp. Hiện nay, khi lớp trẻ đang tiếp cận công nghệ số thì Báo Điện tử của Báo Dân tộc và Phát triển đã kịp thời cập nhật thông tin nhanh chóng, chính xác. Báo Điện tử có giao diện rất dễ đọc, dễ tìm, phong phú nội dung, hình ảnh đẹp.
Trong thời đại bùng nổ thông tin, Báo Dân tộc và Phát triển là kênh thông tin chính thống, hữu ích về công tác dân tộc, kết quả triển khai thực hiện chính sách dân tộc về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Chương trình MTQG. Thông qua đó, người dân Gia Lai đoàn kết, chung tay góp sức, đồng lòng với Đảng và Nhà nước để xây dựng địa phương ngày càng tốt đẹp hơn.