Báo cáo tại phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện nay còn 2 vấn đề xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thứ nhất, đề nghị không tiếp tục trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Thứ hai, có quy định về trích lập Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.
Theo báo cáo từ tháng 9/2021, Chính phủ đã đề nghị dừng trích Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm vì sau 12 năm trích nộp, Quỹ vẫn chưa phải sử dụng và ít có khả năng phải sử dụng.
Trong khi đó, tại dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hiện đang quy định 2 quỹ gồm Quỹ Dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, với cùng mục đích bảo đảm trách nhiệm doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.
Dự án Luật đã chuyển từ phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm, đồng thời kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, nên tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị và kiểm soát tài chính đã được nâng cao.
Vì thế, việc duy trì đồng thời cả 2 quỹ là không cần thiết, dễ tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm.
Tuy nhiên, báo cáo giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lại thể hiện mong muốn giữ lại Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm từ phía Bộ Tài chính, nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm vỡ nợ hoặc gặp phải những vấn đề bất thường khác. Quỹ sẽ đóng vai trò công cụ can thiệp từ Nhà nước khi xảy ra các sự cố tương tự.
Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra, đồng thời đề nghị rà soát lại kết cấu dự án Luật bảo đảm logic hơn nữa, đặc biệt là tính nhất quán trong công tác phân loại, định danh các loại hình bảo hiểm.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm phù hợp với các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, nhất là khi người mua bảo hiểm và người thụ hưởng là hai chủ thể khác nhau.