Báo cáo tại Hội nghị, ông Bế Văn Hùng – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Công tác dân tộc và các chính sách dân tộc đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, được quần chúng Nhân dân triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đồng bào dân tộc đã được thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, có trọng tâm, không bị thất thoát... góp phần quan trọng giúp đồng bào vượt qua khó khăn, từng bước cải thiện đời sống để thoát khỏi đói nghèo.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, phối hợp tốt với các ngành chức năng giải quyết nhiệm chuyên môn liên quan đến công tác Dân tộc. Kịp thời báo cáo Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với các nhiệm vụ được giao hoặc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ban hành chương trình công tác năm 2023, Quy chế làm việc và phân công nhiệm vụ cụ thể cho tập thể Lãnh đạo Ban Dân tộc. Hằng tháng, tổ chức các cuộc họp giao ban định kỳ Lãnh đạo chủ chốt và các cuộc họp đột xuất khác để kịp thời xem xét, chỉ đạo thực hiện hiệu quả và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình nhiệm vụ được giao. Phối hợp chặt chẽ với các sở, Ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 và kế hoạch năm 2023 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã thảo luận và đưa ra những giải pháp, kiến nghị liên quan đến tình hình thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS tại Cao Bằng, công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn vùng DTTS. Theo đó các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Công tác dân tộc và các chính sách dân tộc Cao Bằng vẫn còn những hạn chế do khó khăn đặc thù địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, xuất phát điểm kinh tế thấp, nhu cầu đầu tư lớn nhưng đáp ứng về ngân sách còn rất nhỏ. Mặc dù đã đầu tư một số hạng mục công trình cơ sở hạ tầng, nhưng do cơ sở hạ tầng còn thiếu và yếu, chưa đồng bộ (nhất là giao thông), tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đến nay đời sống của đại bộ phận đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn; một bộ phận đồng bào còn đói giáp hạt, chênh lệch mức thu nhập của các vùng, giữa các dân tộc trong tỉnh còn lớn.
Trình độ dân trí của một số vùng trên địa bàn thấp, một bộ phận đồng bào chưa chủ động trong phát triển kinh tế gia đình, còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước; các chương trình, dự án đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc, miền núi còn nhỏ lẻ, kinh phí đầu tư chưa đảm bảo; một số chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang thực hiện còn dàn trải, kém hiệu quả.
Công tác giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm do một số cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện chưa thực sự chủ động, quyết liệt. Mặt khác, một số nội dung chưa có hướng dẫn quy định cụ thể gây lúng túng trong triển khai thực hiện.
Thẩm quyền điều chỉnh kinh phí, đặc biệt là nguồn sự nghiệp, nếu điều chỉnh từ dự án, lĩnh vực khác trong chương trình thì thẩm quyền thuộc về Trung ương nên không linh hoạt điều chỉnh phù hợp theo đặc thù từng địa phương.
Do Chương trình mới ban hành lần đầu tiên (có tích hợp nhiều chính sách đã triển khai các giai đoạn trước), chính sách, dự án, hướng dẫn và thực hiện theo cơ chế mới, khả năng nghiên cứu, tiếp thu của cán bộ, công chức, đặc biệt là cấp cơ sở còn nhiều lúng túng, chưa kịp thời. Trách nhiệm của cán bộ, công chức chưa cao, các vấn đề còn vướng mắc không chủ động bàn bạc, tháo gỡ; cấp xã tiếp tục được đẩy mạnh phân cấp làm chủ đầu tư; tuy nhiên, công chức cấp xã mặc dù liên tục được chuẩn hoá nhưng lực lượng mỏng (có công chức phải đảm nhiệm nhiều lĩnh vực, nhiều nội dung công việc ngoài chuyên môn được đào tạo) nên khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Phát biểu và kết luận Hội nghị, ông Hoàng Văn Thạch, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận những nỗ lực của Ban Dân tộc tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc tại tỉnh Cao Bằng trong thời gian qua. Đồng thời, Phó Chủ tịch tỉnh nhấn mạnh: Tiếp tục triển khai, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc như: Quyết định số 1719/QĐ-TTg, Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg, Quyết định số 498/QĐ-TTg, Quyết định 1898/QĐ-TTg, Quyết định 414/QĐ-TTg. Thường xuyên bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ của xã hội năm 2024 để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo điều hành đảm bảo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của chương trình, chính sách dân tộc.
Tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các địa phương triển khai các Dự án, tiểu Dự án của các Chương trình MTQG đúng theo tinh thần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, ưu tiên nguồn lực đầu tư các công trình mang tính đột phá của địa phương, nhằm giải quyết cơ bản những khó khăn tại các huyện nghèo; tập trung thực hiện tốt chính sách hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; nghiên cứu xây dựng các dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả; thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, dự án của chương trình.
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch, huy động tối đa sự trợ giúp của cộng đồng xã hội, đáp ứng kịp thời nhu cầu cơ bản của các nhóm yếu thế, người dân và cộng đồng bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Phát triển hệ thống dịch vụ xã hội đa dạng, linh hoạt cả về chất lượng và số lượng theo hướng chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu và khả năng tiếp cận của các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số. Phát triển mạng lưới dịch vụ chăm sóc xã hội tại cộng đồng; phát huy vai trò của gia đình trong công tác xã hội; phát triển đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp làm công tác xã hội; nhân rộng các mô hình chăm sóc, trợ giúp xã hội tại cộng đồng. Tăng cường công tác tuyên truyên nâng cao nhận thức cho các hộ gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội về kỹ năng, chăm sóc, nuôi dường, phục hồi chức năng.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp gắn với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.