Bài 3: Nghịch lý thiếu- thừa đất sản xuất
“Đẽo chân cho vừa giày”?
Trong hai kỳ báo trước, Báo Dân tộc và Phát triển đã lý giải nhiều nguyên nhân khiến tình trạng thiếu ĐSX ngày càng gia tăng ở vùng DTTS và miền núi. Đó là do ảnh hưởng của thiên tai; là tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất chính sách tràn lan; do thu hồi đất triển khai những dự án không hiệu quả…
Đây cũng là những nguyên nhân khiến nhiều địa phương không còn quỹ đất, nên kết quả hỗ trợ ĐSX ngày càng “teo” lại. Như Đăk Lăk, từ năm 2004 đến 2012, thực hiện Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, toàn tỉnh đã cấp ĐSX cho 3.754 hộ trong tổng số 8.213 hộ thiếu ĐSX. Đến giai đoạn 2013-2015, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg, toàn tỉnh có 9.142 hộ có nhu cầu hỗ trợ ĐSX, nhưng chỉ hỗ trợ được 1.051 hộ.
Quan trọng hơn, vì quỹ đất không còn, khi phê duyệt các đề án hỗ trợ đất ở, ĐSX cho đồng bào DTTS, nhiều địa phương phải điều chỉnh nội dung hỗ trợ theo hướng giảm hỗ trợ ĐSX, tăng hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.
Như Gia Lai, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg, ngày 5/5/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 262/QĐ-UBND phê duyệt đề án hỗ trợ đất ở, ĐSX trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tổng số hộ được hỗ trợ ĐSX là 1.338 hộ; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề là 3.654 hộ. Nhưng đến ngày 5/10/2016, tỉnh lại có Quyết định số 729/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Quyết định số 262/QĐ-UBND. Trong đó, giảm hỗ trợ ĐSX từ 1.338 hộ xuống còn 413 hộ; tăng hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề từ 3.654 hộ lên 4.465 hộ. Thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg, Gia Lai cũng chỉ hỗ trợ ĐSX cho 370/413 hộ.
Giai đoạn 2016-2020, triển khai Quyết định 2085/QĐ-TTg, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định 702/QĐ-UBND, ngày 19/9/2017 phê duyệt đề án thực hiện. Theo đề án, toàn tỉnh chỉ có 231 hộ được hỗ trợ ĐSX, trong khi có 6.047 hộ được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.
Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đưa ra tại Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên” (tổ chức ngày 9/12/2018), toàn tỉnh Gia Lai vẫn còn 12.986 hộ thiếu ĐSX.
Vậy tại sao khi xây dựng đề án triển khai Quyết định 2085/QĐ-TTg, Gia Lai chỉ hỗ trợ ĐSX cho 231 hộ, thấp hơn hàng chục lần so với tổng số hộ đang có nhu cầu? Phải chăng, vì quỹ đất không còn, hơn nữa lo nguồn vốn thực hiện không đủ, nên Gia Lai đã “đẽo chân cho vừa giày”, giảm số lượng hỗ trợ ĐSX xuống hết mức có thể?.
Đất rộng vẫn… thiếu đất!
Thực hiện hỗ trợ đất ở, ĐSX theo Quyết định 2085/QĐ-TTg, không chỉ Gia Lai mà ở những địa phương khác, số hộ được hỗ trợ ĐSX cũng giảm sâu. Ở Đăk Lăk, theo thống kê của Bộ TN&MT, toàn tỉnh có khoảng 19.198 hộ thiếu ĐSX, nhưng trong đề án của tỉnh (theo Quyết định 2652/QĐ-UBND ngày 25/9/2017 của UBND tỉnh) cũng chỉ xác định hỗ trợ đất cho 9.878 hộ...
Không còn quỹ đất là một trong những lý do chính để các địa phương giảm số lượng hỗ trợ ĐSX khi xây dựng đề án triển khai Quyết định 2085/QĐ-TTg. Nhưng thực tế, ở nhiều địa bàn vẫn “tồn dư” diện tích đất đủ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, ĐSX cho đồng bào đang có nhu cầu.
Ở Tây Nguyên, số liệu của Bộ TN&MT cho thấy, toàn vùng vẫn còn 935.000ha hiện do các công ty nông lâm trường quản lý, nhưng lại đang vượt quá khả năng quản lý, sử dụng. Đặc biệt, bình quân một lao động ở một nông-lâm trường đang quản lý, sử dụng rất nhiều diện tích đất. Như Công ty TNHH MTV Lâm trường Đăk Tô (Kon Tum), một lao động đang quản lý 1.123ha; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Hà (Kon Tum) là 5.687ha/lao động; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Tẻh (Lâm Đồng) là 653ha/lao động...
Quỹ đất không chỉ đang “tồn” ở các nông lâm trường mà ở một số địa phương vẫn còn “dư” nhiều diện tích đất chưa sử dụng. Như xã Krông Na (huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk) có 107.899ha đất nông, lâm nghiệp, nhưng hiện mới chỉ có khoảng 2.000ha đất được sử dụng để sản xuất. Ngoài ra, xã vẫn còn 729,78ha đất chưa sử dụng. Đó là chưa kể, dân số toàn xã chỉ có 1.475 hộ, với 5.326 nhân khẩu. Vị chi, mật độ dân số bình quân ở xã Krông Na chỉ khoảng 4,8 người/km2. Đất rộng, người thưa nhưng ở Krông Na vẫn còn rất nhiều hộ thiếu ĐSX. Chỉ riêng ở thôn Thống Nhất, cách trung tâm xã chưa đầy 1km, cả thôn có 145 hộ thì tất cả đều thiếu ĐSX.
Quỹ đất không phải là thiếu, nhưng khi triển khai chính sách hỗ trợ ĐSX, nhiều địa phương đều “kêu” không còn quỹ đất để chuyển sang hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Như xã Krông Na, từ nhiều năm nay, nguồn vốn hỗ trợ các hộ thiếu ĐSX đều được “dồn” sang hỗ trợ chăn nuôi bò. Năm 2018, xã hỗ trợ được 23 hộ với 23 con bò; trong năm 2019, Krông Na cũng hỗ trợ 20 con bò cho 20 hộ nghèo thiếu ĐSX trong xã.
Chắc chắn, hiệu quả của việc hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề không thể bằng giải pháp hỗ trợ ĐSX. Bởi để thoát nghèo, vươn lên từ chuyển đổi ngành nghề thì cần rất nhiều điều kiện đi kèm. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.
SỸ HÀO