Đã hết vai trò lịch sửCách đây hơn 8 năm, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn được ban hành theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg, ngày 07/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là QĐ 102); được triển khai từ ngày 01/1/2010. Theo đó, người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực II, xã biên giới, xã bãi ngang, hải đảo, vùng khó khăn được hỗ trợ 80 nghìn đồng/người/năm; người dân thuộc hộ nghèo ở xã khu vực III vùng khó khăn được hỗ trợ 100 nghìn đồng/người/năm. Việc hỗ trợ được thực hiện bằng tiền hoặc hiện vật để người dân chủ động mua sắm nguyên liệu, vật tư phục vụ sản xuất và đời sống phù hợp với thực tế của từng hộ.
Theo số liệu tổng hợp của Ủy ban Dân tộc, từ năm 2010 đến năm 2017, thực hiện QĐ 102, hơn 40 triệu lượt người thuộc hộ nghèo ở 57 tỉnh, thành trên cả nước đã được hỗ trợ trực tiếp. Sau hơn 8 năm thực hiện, chính sách theo QĐ 102 đã góp phần hỗ trợ người dân thuộc hộ nghèo có thêm điều kiện để mua sắm vật tư, vật dụng phục vụ đời sống, sản xuất.
Tuy nhiên, giảm dần chính sách “cho không”, tiến tới xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ có điều kiện, Ủy ban Dân tộc đã triển khai rà soát, đánh giá kết quả chính sách hỗ trợ trực tiếp theo QĐ 102 trên phạm vi cả nước. Qua đó, Ủy ban Dân tộc nhận thấy, chính sách hỗ trợ trực tiếp đã hết vai trò lịch sử.
Trên cơ sở phân tích thực tiễn cùng nhận định, đề xuất của các địa phương, ngày 27/4/2018, Ủy ban Dân tộc đã có Tờ trình số 08/TTr-UBDT gửi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định bãi bỏ QĐ 102. Ngày 06/6/2018, xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 25/2018/QĐ-TTg về việc bãi bỏ QĐ 102. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
Như vậy, từ năm 2019, chính sách hỗ trợ trực tiếp sẽ không còn. Nhưng điều quan tâm là, khi chính sách hết hiệu lực, nguồn vốn này sẽ được chuyển tiếp như thế nào, bởi vốn chính sách theo QĐ 102 đã được dự toán trong nhiệm vụ chi thường xuyên đến năm 2020.
Cân nhắc chuyển tiếp nguồn vốnTheo Văn bản số 3943/BTC-NSNN ngày 05/4/2018 của Bộ Tài chính, thực hiện QĐ 102, bình quân mỗi năm ngân sách nhà nước chi 501 tỷ đồng (từ năm 2010 đến năm 2017 đã giải ngân gần 4.090 tỷ đồng). Ngân sách đã phân bổ cho các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ trực tiếp đến hết 31/12/2018. Như vậy, trong 2 năm tới (2019, 2020), vốn hỗ trợ trực tiếp đã được dự toán còn dư 1.002 tỷ đồng, sẽ được chuyển tiếp như thế nào?
Trong quá trình xây dựng dự thảo Quyết định bãi bỏ QĐ 102 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã xin ý kiến đóng góp của các bộ, ngành có liên quan đến các nội dung, trong đó có vấn đề chuyển tiếp nguồn vốn khi chính sách hỗ trợ trực tiếp hết hiệu lực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị bổ sung nguồn vốn đó vào tiểu dự án 2 của Chương trình mục tiêu giảm nghèo về hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo theo Quyết định 1722/QĐ-TTg.
Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, thì nguồn kinh phí để thực hiện Quyết định 1722/QĐ-TTg đã được phân bổ kế hoạch nên không thể bổ sung thêm nguồn kinh phí. Bộ Tài chính đề xuất chuyển nguồn kinh phí theo QĐ 102 để chi trả thay phần ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, theo Quyết định 579/QĐ-TTg ngày 28/4/2017.
Nhưng xét kỹ, nội dung của Quyết định 579/QĐ-TTg là hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội. Trong khi đó, vốn thực hiện QĐ 102 đã được bố trí ổn định trong dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương đến năm 2020.
Theo Ủy ban Dân tộc, QĐ 102 là một trong các chính sách giảm nghèo cho vùng DTTS và miền núi. Việc bãi bỏ QĐ 102 là nhằm tập trung nguồn lực, ưu tiên cho các chính sách, chương trình giảm nghèo vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK.
Đặc biệt, chính sách đặc thù đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg-một trong những chính sách đầu tư phát triển vùng DTTS và miền núi còn hiệu lực, được ban hành đến nay đã gần hai năm nhưng vẫn chưa có vốn để thực hiện; nhất là nguồn vốn đầu tư chưa được bố trí trong kế hoạch trung hạn. Trong khi đó, chỉ còn gần hai năm rưỡi nữa, chính sách theo Quyết định 2085/QĐ-TTg hết hiệu lực.
Do vậy, Ủy ban Dân tộc đề nghị Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội cho bổ sung nguồn vốn theo QĐ 102 sang để thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg. Bộ Tư pháp cũng đồng ý với ý kiến này, đề nghị Ủy ban Dân tộc làm rõ thêm cơ sở chuyển tiếp nguồn vốn.
Nhưng theo Quyết định 25/2018/QĐ-TTg, ngày 06/6/2018 về bãi bỏ QĐ 102, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao các địa phương được sử dụng nguồn kinh phí từ QĐ 102, chi trả thay phần ngân sách Trung ương thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn. Điều này đồng nghĩa, vốn đầu tư cho chính sách đặc thù đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg thêm một lần “lỡ hẹn”.
SỸ HÀO