Nhiều thiên tai bão, lũ
Theo thống kê của Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ, từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm trên biển Đông có 11-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trong đó, có khoảng 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp vào các tỉnh Bắc Trung bộ. Ngoài ra, trung bình mỗi năm khu vực Bắc Trung bộ còn phải gánh chịu 10-11 đợt mưa lớn diện rộng; 17-18 trận dông, lốc, tố và mưa đá… Cùng thời gian “chính vụ”, mưa bão đổ bộ vào khu vực Bắc Trung bộ rơi vào khoảng từ tháng 8-11 hằng năm.
Đài Khí tượng thủy văn Băc Trung bộ cũng dự báo, từ nay đến cuối năm 2024, lượng mưa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm; Mưa lũ xuất hiện nhiều và dồn dập kéo theo các loại hình thiên tai như lũ quét và sạt lở đất… Ngoài ra, còn có 2-3 cơn báo/áp thấp nhiệt đới có thể ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh Bắc Trung bộ (tập trung vào nửa cuối tháng 9-10).
Đi theo hình thái khí hậu mưa bão, mực nước trên các sông ở khu vực Bắc Trung bộ, cũng được dự báo sẽ dâng cao. Trong đó, từ nửa cuối tháng 9 đến tháng 11/2024, trên các sông Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện 3 – 4 đợt lũ. Đỉnh lũ trên hạ lưu sông Cả (Nghệ An) có khả năng ở mức BĐ1- BĐ2. Nguy cơ xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố lớn do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các khu vực vùng núi, vùng đồng bào DTTS ở các tỉnh Bắc Trung bộ.
Đáng lưu ý là, tần suất cũng như cường độ của thiên tai như bão, lũ ở khu vực Bắc Trung bộ đang có xu hướng gia tăng với các loại hình thiên tai ngày càng diễn biến trái quy luật. Cụ thể, trước đây diễn ra theo mùa, còn giờ đây xuất hiện quanh năm, kể cả trong những tháng được xem là hiếm khi xuất hiện.
“Lên cót” trước mùa mưa bão
Với người dân vùng Bắc Trung bộ, việc nghe dự báo thời tiết gần như đã trở thành thói quen. Trước mỗi đợt mua bão, việc nghe thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai… để chủ động phòng, tránh được nâng lên thành nhiệm vụ. Cùng với đó là, các cấp chính quyền địa phương ở các tỉnh Bắc Trung bộ “lên cót” chuẩn bị kế hoạch, phương án để chủ động ứng phó theo cấp độ thiên tai.
Cơn bão bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế vào chiều ngày 19/9 vừa qua, là “bài tét” cho công tác phòng chống thiên tai trong mùa “chính bão” ở các tỉnh Bắc Trung bộ.
Theo đó, rạng sáng ngày 19/9, áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 4. Trước dự báo, bão số 4 sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh kích hoạt kịch bản phòng chống thiên tai theo kế hoạch đã đặt ra trước đó. Trong đó, kịch bản sơ tán dân vùng xung yếu, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất… được triển khai ngay trong buổi sáng ngày 19/9. Theo đó, hơn 1.000 hộ dân, với trên 3.000 nhân khẩu ở vùng trọng yếu đã được di dời đến nơi ở an toàn.
Tại Quảng Trị, trước đó, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm phòng chống thiên tai năm 2024. Trong đó, địa phương đã xây kịch bản sơ tán dân cho các tình huống thiên tai cụ thể: Một là, tránh ATNĐ/bão cấp độ 3 (dự kiến 9.509 hộ với 29.957 nhân khẩu); Hai là, tránh lũ trên báo động 3 (dự kiến 14.012 hộ với 53.159 nhân khẩu); Ba là tránh lũ trên báo động 3 + 1m (dự kiến 20.011 hộ với 71.643 nhân khẩu); Bốn là tránh lũ trên lũ lịch sử (dự kiến 27.934 hộ, với 103.993 nhân khẩu). Đối với vùng xảy ra lũ quét (dự kiến 2.393 hộ/9.683 nhân khẩu) và vùng xảy ra sạt lở đất (dự kiến 1.295 hộ/5.924 nhân khẩu).
Nhờ chủ động lên kế hoạch trước nên khi bão số 4 đổ bộ, Quảng Trị đã chủ động trong công tác phòng chống thiên tai. Nhờ đó, bão số 4 không gây thiệt hại về người ở Quảng Trị, cơ sở hạ tầng và tài sản của Nhân dân cũng hạn chế tối đa về thiệt hại.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Quang Lam, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị cho biết: Hiện tại, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai. Đồng thời, lên phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với từng vùng, từng khu vực. Đặc biệt là, rà soát phương án di dời, sơ tán dân các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, ngập sâu, lũ ống, lũ quét vùng miền núi, vùng DTTS.
Còn tại Nghệ An, ngay từ đầu tháng 3/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các cấp năm 2024. Trong đó, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từng địa bàn, khu vực trọng điểm, xung yếu, đảm bảo chế độ thông tin báo cáo giữa các Ban Chỉ huy của các cấp, các ngành và địa phương.
Để chủ động ứng phó, phòng chống thiên tai năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng 5 kịch bản di dời dân để đảm bảo an toàn. Cụ thể, với bão cấp 16 kết hợp với triều cường; bão cấp 15 kết hợp với triều cường; bão cấp 14 kết hợp với triều cường; bão cấp 13 kết hợp với triều cường; bão cấp 13 kết hợp với triều trung bình.
Tại vùng núi, cơ quan chức năng ở Nghệ An cũng đã thống kê, có hơn 166 điểm có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét nên đã chủ động lên phương án tối ưu để di dời hơn 3.000 hộ, với khoảng 13.000 nhân khẩu theo cấp độ thiên tai. Các phương án ứng phó với thiên tai được Nghệ An xây dựng nhằm chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024, các tỉnh Bắc Trung bộ đã ban hành kế hoạch phòng chống tiên tai năm 2024 sớm và quyết liệt. Theo đó, các kịch bản ứng phó với từng cấp độ thiên tai cũng đã được lên chi tiết. Trong đó, phần lớn các tỉnh Bắc Trung bộ chuẩn bị rất kỹ các kịch bản về di dời dân ở những vùng trọng yếu, nguy cơ cao. Các phương tiện cứu hộ, cứu nạn cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng. Đến thời điểm này (9/2024), các địa phương ở Bắc Trung bộ đã “lên cót” để chủ động phòng chống, ứng phó với các loại hình thiên tai trong “chính mùa mưa bão” 2024.