Bà Đỗ Thị Việt Hà - Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh chủ trì Hội nghị.
Năm 2022, 11 trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) và các luật sư ký hợp đồng với Trung tâm thực hiện trợ giúp pháp lý trong tố tụng 268 vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho 291 người thuộc diện có yêu cầu (như người có công với cách mạng, thuộc hộ nghèo, DTTS, người bị buộc tội từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, người khó khăn về tài chính…); tăng 92 việc, 195 người so với năm trước.
Có được kết quả trên là do Sở Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng đã chủ động phối hợp với các ngành thành viên xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể. Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức 60 đợt tuyên truyền pháp luật lưu động tại cơ sở, nhất là thôn, bản vùng sâu, vùng xa; biên soạn, phát hành 36.000 tờ gấp pháp luật cho các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn; cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng tham gia trợ giúp pháp lý đầy đủ, bảo đảm chất lượng.
Tháng 9/2022, Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh ký kết chương trình phối hợp về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân. Qua đó giúp người thuộc diện được trợ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, được bảo đảm quyền lợi theo luật định.
Cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn và thuộc khối quân sự, trại tạm giam, nhà tạm giữ niêm yết bảng thông tin trợ giúp pháp lý; đặt hộp tin trợ giúp pháp lý tại vị trí thuận lợi, giải thích quyền về trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định; tạo điều kiện thuận lợi cho trợ giúp viên pháp lý và luật sư gặp gỡ, trao đổi với bị can, bị cáo.
Để nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng, nhiều đại biểu đề nghị năm 2023, các cơ quan đơn vị liên quan tiếp tục quan tâm tuyên truyền, giải thích cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý hiểu về quyền lợi của mình; không chỉ là bị cáo, bị can mà cần phải mở rộng cho nhóm người bị hại, người liên quan, đương sự trong tố tụng dân sự, hành chính.
Kịp thời gửi bản án, văn bản tố tụng cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước để bảo đảm thời gian, chất lượng giải quyết các vụ việc, hoàn thiện hồ sơ.
Nghiên cứu lựa chọn vụ án có người được trợ giúp pháp lý để làm điểm, rút kinh nghiệm. Qua đây đánh giá sâu, rõ hơn những ưu điểm, hạn chế trong quá trình thực hiện, kịp thời đưa ra giải pháp khắc phục. Có thể tổ chức “Ngày hội trợ giúp pháp lý” để truyền thông rộng rãi; quan tâm khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích nổi bật trong công tác này.
Thời gian tới, Hội đồng Phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn, nghiên cứu, tọa đàm, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho người thực hiện trợ giúp pháp lý, cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng; nghiên cứu ban hành biểu mẫu giữa báo cáo và sổ theo dõi bảo đảm tính thống nhất, phù hợp, thuận tiện.
Bà Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh kịp thời báo cáo về chất lượng trợ giúp pháp lý của đội ngũ trợ giúp viên, luật sư để có những đánh giá khách quan, toàn diện, làm căn cứ nhân rộng cách làm hay, kịp thời khắc phục tồn tại, vướng mắc. Các đơn vị liên quan thường xuyên trao đổi, khắc phục những bất cập; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, tự kiểm tra; chủ động dự toán kinh phí, bảo đảm đầy đủ các điều kiện để làm tốt công tác trợ giúp pháp lý cho hoạt động tố tụng.