Báo Dân tộc và Phát triển liên tiếp nhận được thông tin phản ánh của nhiều người dân ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước về việc nhiều trường hợp đã lợi dụng việc hạ cốt nền, san gạt tại chỗ để bán đất trái phép ra bên ngoài. Những xe tải chở đất không được che đậy, chạy rầm rộ với tốc độ cao khiến đất đá rơi vãi ra đường, gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Sau khi tiếp nhận phản ánh, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có buổi xác minh thực tế tại hiện trường.
Chiều ngày 26/3, có mặt trên tuyến Quốc lộ 217, chúng tôi bắt gặp hàng chục xe tải chở đất nối đuôi nhau.
Ghi nhận tại thôn Giổi, xã Ái Thượng máy múc cùng nhiều chiếc ô tô trọng tải di chuyển vào khu vực đồi đất đang thực hiện khai thác và chuyển đất đi tiêu thụ.
Từng khối đất đang bị những chiếc máy múc thản nhiên khai thác. Hàng loạt xe nối đuôi nhau vào lấy đất, sau đó nhanh chóng vận chuyển ra khỏi khu vực khai thác. Hoạt động này đã ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân khu vực, do xe trở đất không được che chắn, đất vương vãi ra đường, ngày mưa thì đường dơ bẩn, ngày nắng thì bụi bặm ô nhiễm.
Một số hộ dân ở xã Ái Thượng, bức xúc cho biết: “Hoạt động khai thác đất đã diễn ra rầm rộ ở đây nhiều ngày nay rồi, mỗi ngày có hàng chục lượt phương tiện liên tục ra vào chở đất đi ra ngoài. Xe cộ đi lại không che chắn rơi vãi ra đường bụi bay mù mịt. Dân như chúng tôi chả biết kêu ai, vì không thấy có cơ quan chức năng nào vào kiểm tra xử lý việc khai thác này”.
Ông Quách văn P., người dân xã Ái Thượng cho biết: Những ngày gần đây, việc vận chuyển đất chạy trên các tuyến đường như Quốc lộ 217, đường thôn, ngõ xóm vào các hộ dân để đổ đất rất nhiều, vì các hộ đều có nhu cầu mua đất đổ vườn, đổ móng làm nhà nên họ bán. Việc không che phủ bạt khiến đất rơi vãi bà con cũng có nhắc nhở nhà xe nhưng tình trạng không che phủ bạt vẫn diễn ra. Chúng tôi vô cùng lo lắng, bất an trước việc này.
Sau khi biết có phóng viên theo xe và xuống hiện trường chụp ảnh, một người đàn ông xưng là Ân xin phép được gặp mời nước và trao đổi công việc.
Ông Ân cho biết mình là người địa phương và hay làm khu vực quanh đây, gia đình có 1 máy múc và 2 con xe vận tải. Mấy hôm nay ông mới gọi thêm 2 xe nữa là 4 xe. Đây cũng là nhu cầu hạ cốt nền để làm nhà của nhiều hộ dân ở đây. "Chỗ thôn Giổi là tôi đang múc cho hộ gia đình bà Liên. Quá trình làm móng nhà dân lượng đất thừa nên tôi vận chuyển đi. Việc này, tôi đã báo cáo xã và huyện nên mới được đồng ý làm", ông Ân cho biết thêm.
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Phạm Văn Ấn Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bá Thước cho biết: "Nếu vị trí khai thác ở đó là đất ở (đất thổ cư) mà hộ gia đình muốn hạ cốt nền nhà, là phải làm đơn xin xác nhận của xã và đất thừa mang đi đổ phải đúng nơi quy định, không được mang đi bán. Còn thông tin báo chí phản ánh, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại, nếu sai sẽ cho dừng ngay việc khai thác trên".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, tình trạng lợi dụng việc “hạ cốt nền” để khai thác đất trái phép còn diễn ra tại một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Nhu cầu cải tạo mặt bằng của người dân là chính đáng, nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Hành vi khai thác đất trái phép núp bóng hình thức “hạ cốt nền” cần được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin đến bạn đọc.