Du lịch, dịch vụ du lịch đang tê liệt
Khác xa với các đợt bùng lên của dịch Covid-19 vào năm 2020, khi đó ngành Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuy có bị ảnh hưởng, nhưng không quá nặng nề, vì địa phương vẫn còn mở cửa và các hoạt động dịch vụ vẫn có thể cầm cự, dù lượng du khách ít ỏi. Đợt dịch thứ 4 bùng phát vào tháng 5/2021, với sự lây lan nhanh chóng, đặc biệt và tại TP. Hồ Chí Minh (nguồn khách du lịch chính của Bà Rịa - Vũng Tàu), đã khiến địa phương nhanh chóng khóa chặt các cửa ngõ, sau đó là phong tỏa theo Chỉ thị 16 trong một thời gian dài.
Suốt hơn 4 tháng trôi qua phải đóng băng mọi hoạt động, cùng với dư âm của các đợt dịch trước cộng lại, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch của tỉnh như nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú, kinh doanh lữ hành... đều rơi vào tình trạng bế tắc. ”Ban đầu không nghĩ dịch bệnh sẽ bùng phát dữ dội và sẽ giãn cách lâu đến vậy. Chúng tôi cũng cố gắng duy trì hoạt động trong tháng 5, để chờ đợi dù không có khách, nhưng sau đó buộc phải đóng cửa. Tháng đầu còn hỗ trợ được lương nhân viên, nhưng bây giờ thì buộc phải cho họ nghỉ không lương”, chị Hằng, chủ một cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú ở Khu vực Bãi Sau buồn bã nói
Tương tự, anh Khôi, Giám đốc điều hành một chuỗi Nhà hàng, khách sạn, cà phê lớn ở khu vực Bãi Trước không kém phần lo lắng chia sẻ: Khách lưu trú không có, tiệc cưới cũng không, cà phê thì không hoạt động, tiền mặt bằng, điện nước hàng tháng vẫn phải trả, nhân viên thì vẫn phải giữ lại những vị trí quan trọng như bảo vệ, bảo trì, lễ tân... để duy trì. Vừa phải lo chi phí 3 tại chỗ, vừa phải lương bổng chu đáo cho anh em, không biết còn cầm cự được đến bao lâu.
Thông thường đối với các doanh nghiệp du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu, thì ngoài thời điểm Lễ, Tết, 3 tháng hè là thời gian kinh doanh tốt nhất, đôi khi là quyết định lợi nhuận của cả năm, khi lượng du khách, đặc biệt là từ TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ về rất đông để tắm biển vào dịp cuối tuần.
Tuy nhiên, mùa hè năm ngoái và năm nay, là 2 năm liên tiếp đáng buồn của ngành Du lịch. Hiện nay, ngoài việc đóng cửa cầm cự, thì rất nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải giải thể, hoặc rao bán, sang nhượng cơ cở của mình.
Tìm giải pháp phục hồi du lịch
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thì việc phục hồi nền kinh tế du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong thời gian tới, sẽ gặp nhiều khó khăn và cần một khoảng thời gian dài để thích nghi với cuộc sống bình thường mới. Mặc dù, tỉnh đã có lộ trình từng bước mở cửa nền kinh tế - xã hội nói chung, nhưng với ngành Du lịch, thì cần phải có những bước đi phù hợp thực tế hơn.
Cụ thể, tại cuộc họp trực tuyến bàn kế hoạch mở cửa du lịch “hậu giãn cách” mới đây, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với đại diện các doanh nghiệp du lịch, bà Trần Thị Thu Hiền,Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, trước mắt việc mở cửa du lịch sẽ bắt đầu với 4 khách sạn được UBND tỉnh cho phép thí điểm, gồm: Melia Hồ Tràm Resort, Bình Châu Hot Springs, The Grand Hồ Tràm Resort & Casino (huyện Xuyên Mộc) và Six Senses Côn Đảo Resort (huyện Côn Đảo). Các khách sạn trên chỉ đón khách có “thẻ xanh” vắc xin và nhân viên an toàn sau “mũi vắc xin thứ 2 được 14 ngày”.
Tiếp đó, Sở Du lịch dự kiến khởi động chương trình quảng bá, bán sản phẩm, dịch vụ qua sàn thương mại điện tử và hội chợ du lịch trực tuyến về du lịch. Trong bối cảnh ngành Du lịch tiến tới số hóa, và xu hướng hạn chế tiếp xúc để phòng, chống dịch hiện nay, sàn thương mại điện tử được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu quảng bá cho doanh nghiệp du lịch, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu của số đông du khách.
Bên cạnh đó, xác định thị trường nội địa và khu vực TP. Hồ Chí Minh, vẫn là phân khúc chính của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, chương trình kích cầu cũng tập trung vào chủ thể chính là khách nội địa, với chương trình bán đồng giá hạng cơ sở lưu trú và sử dụng dịch vụ, nơi này nhận phiếu ưu đãi nơi khác trong chuỗi liên kết trao đổi lẫn nhau giữa dịch vụ ăn uống - nghỉ ngơi - vui chơi, giúp du khách sử dụng dịch vụ chất lượng, uy tín, chi phí tiết kiệm.
Tuy nhiên kế hoạch phục hồi ngành Du lịch, cũng sẽ phải căn cứ vào diễn biến dịch bệnh trong khu vực, trong tỉnh và tiến độ phủ vắc xin trên toàn tỉnh. Nếu tình hình thuận lợi, dự kiến việc mở cửa hoàn toàn sẽ bắt đầu từ tháng 1/2022. Xuyên suốt quá trình mở cửa, phải bảo đảm an toàn. Các loại hình, cơ sở du lịch, dịch vụ phải thực hiện bộ tiêu chí an toàn phòng dịch phù hợp với tình hình mới.
Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng cho biết thêm, trong tháng 5/2021 dù không có doanh thu, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn ráng cầm cự giữ nguyên số lao động, duy trì mức lương cam kết. Song từ tháng 6 trở đi, tất cả đã hầu như không cầm cự được. Hiện nay, khối doanh nghiệp hội viên chỉ còn vài doanh nghiệp trả lương 8 ngày công/tháng, còn lại đều cho người lao động nghỉ không lương.
Nhằm giúp các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn do dịch Covid-19, Hiệp hội Du lịch kiến nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sớm cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay có thời hạn, với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi, giãn nộp bảo hiểm cho người lao động để doanh nghiệp tập trung tài chính làm mới dịch vụ, khôi phục kinh doanh sau dịch bệnh.