Bao đời nay, người Dao ở chân dãy núi Tây Yên Tử vẫn bảo tồn được nhiều phong tục truyền thống mang đậm bản sắc qua các điệu múa, lễ hội, hát dân ca páo dung, trang phục, cưới, hỏi, cấp sắc, truyện kể dân gian... Trong đời sống văn hoá tinh thần của người Dao, có một số nhạc cụ gắn liền với các nghi lễ, sinh hoạt thường ngày như: Kèn, thanh la, trống, chuông, chũm choẹ, tù và ...
Một lần tham dự lễ cấp sắc của người Dao tại đây, chúng tôi được chứng kiến các nghi lễ, điệu nhảy độc đáo. Đặc biệt ấn tượng là âm thanh tù và được các thầy cúng gióng lên giữa đêm khuya thanh vắng như vang rền cả núi rừng. Tham gia lễ cấp sắc, các thầy cúng thường mang theo một chiếc tù và bằng sừng trâu, chiếc chuông nhạc, một cuốn sách cúng chữ Nôm - Dao và hai chiếc chũm choẹ bằng đồng dùng để hành lễ. Những âm thanh tạo thành một bản hoà âm độc đáo.
Theo quan niệm của người Dao, chiếc tù và là vật dụng có ý nghĩa vô cùng linh thiêng, là “sợi dây” kết nối giữa con người với thần linh (Ngọc Hoàng). Ngọc Hoàng có quyền năng tối cao, vì vậy trong tâm thức của đồng bào, họ luôn cầu mong Ngọc Hoàng che chở, ban cho những điều tốt lành.
Ông Trịnh Văn Chung (78 tuổi) dân tộc Dao ở tổ dân phố Tuấn Mậu, thị trấn Tây Yên Tử cho biết: Người Dao dùng sừng trâu để chế tác tù và. Nhạc cụ này thường được sử dụng trong những nghi lễ trọng đại như cấp sắc, cầu mưa, cầu mùa, cúng Bàn Vương (ông tổ của người Dao) và tảo mộ. Trong mỗi gia đình các trưởng họ của người Dao đều có từ một đến hai chiếc tù và để sử dụng khi hành lễ.
Ông Chung làm thầy cúng từ năm 18 tuổi, trong nhà ông có 2 chiếc tù và, trong đó có một chiếc tù và cổ do các cụ đời trước để lại, tuổi thọ khoảng trên 100 năm. Theo ông Chung thì mỗi khi mời Ngọc Hoàng về chứng giám cho buổi lễ, thầy cúng đều phải thổi 4 hồi tù và. Hồi thứ nhất thông báo tới nhà trời mở cửa để Ngọc Hoàng xuống trần gian. Hồi thứ hai thông báo đến trần gian mở cửa đón Ngọc Hoàng vào. Hồi thứ ba chính thức cung thỉnh Ngọc Hoàng xuống trần gian, nói rõ lý do mời ngài xuống. Hồi thứ tư thông báo với cung đình của Ngọc Hoàng và các thánh thần đã xuống đến hạ giới ngồi vào vị trí được tiếp đón một cách long trọng và chứng giám các nghi lễ.
Kết thúc buổi lễ, thầy cúng tiếp tục cung tiễn Ngọc Hoàng bằng 4 hồi tù và tương tự như vậy. Mỗi lần thổi tù và, thầy cúng phải mang ra cửa nhà hoặc ra sân, không thổi trong nhà. Các nghi lễ đều được thực hiện nghiêm trang, cung kính. Thông qua buổi lễ đó với sự chứng giám của Ngọc Hoàng, đồng bào người Dao cầu mong cho cuộc sống được bình an, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt và cũng là dịp để nhắc nhở con cháu nhớ đến cội nguồn, biết ơn công lao của tổ tiên, răn dạy mọi người làm nhiều việc thiện, tránh xa điều xấu.
Theo chia sẻ của ông Trịnh Văn Chung, công đoạn làm tù và tuy không quá khó nhưng khá tỉ mỉ, cầu kỳ, từ chọn sừng trâu, gọt đẽo cho nhẵn bóng đến khoan lỗ ở đầu nhọn của sừng trâu để có thể thổi được. Theo đó, âm thanh của mỗi chiếc tù và phụ thuộc vào độ dày, mỏng, dài, ngắn của chiếc sừng trâu và bàn tay người chế tác. Để làm được tù và ưng ý, trước tiên phải chọn sừng trâu đẹp với độ cứng, bóng và dày.
Đối với ông Trịnh Văn Chung, chiếc tù và được gìn giữ như một báu vật gia truyền, được treo ở một vị trí trang trọng. Mỗi khi tiếng tù và vang lên nghĩa là người Dao đã mời được Ngọc Hoàng về chứng giám, qua đó còn giáo dục con cháu những điều hay lẽ phải, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Dao.