Thêm nghị lực vượt qua bệnh tậtMắc bệnh viêm đa khớp nhiều năm nay, lại chỉ sống neo đơn có một mình nhưng ông Trần Văn Hải ở xã Xuân Thiện (huyện Thống Nhất) vẫn tràn đầy nghị lực vượt qua bệnh tật. Mỗi khi có dấu hiệu bệnh trở nặng ông lại đến Trung tâm Y tế huyện Thống Nhất để được thăm khám, điều trị vì khi vào viện ông không chỉ được miễn viện phí, còn được hỗ trợ tiền ăn và sự chăm sóc ân cần của các nhân viên y tế.
Từ xóm nhỏ của xã Bình Minh, huyện Trảng Bom (Đồng Nai), bao lần ra vào Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom, ông Phạm Văn Thanh cũng không nhớ nổi.
Tuổi gần 80, người thân lại chẳng có ai ở gần, căn bệnh hen suyễn mãn tính quanh năm hành hạ nhưng từ tận sâu đáy lòng ông luôn cảm thấy ấm áp khi có các nhân viên y tế chăm sóc. Ông Thanh kể: Vào bệnh viện hoài. Có tháng nằm viện nhiều hơn ở nhà. Là người nghèo, neo đơn, nằm viện ông Thanh được Trung tâm Y tế Trảng Bom mua vé xe, chu cấp tiền ăn đầy đủ hàng ngày, viện phí đã có bảo hiểm nên lòng ông luôn ấm áp.
Bà Tô Thị Tịch ở xã Cây Gáo (Trảng Bom) cũng cho biết, bà mắc bệnh hô hấp mãn tính lại là hộ nghèo nên ban đầu bà rất lo lắng trong việc đi chữa bệnh. Đến khi được thông báo sẽ được chu cấp tiền ăn uống, tiền xe cộ đi lại nên mọi lấn bấn lo âu được trút bỏ. Bà Tịch bộc bạch: Người nghèo, người neo đơn thì được chu cấp còn các đối tượng khác vào đây đều được chăm sóc như người ruột thịt nên lúc khỏe mạnh cũng hay nhớ về Trung tâm Y tế Trảng Bom như nhớ về kỷ niệm đẹp vậy.
Như được tiếp thêm sức mạnh từ động lực tinh thần, vừa vượt qua những cuộc phẫu thuật dạ dày, bà Trần Thị Dung ở xã Bàu Hàm (Trảng Bom) kể, chính sách này làm ấm lòng những bệnh nhân ở các tuyến cơ sở cũng như khi chuyển lên tuyến trên ở Đồng Nai.
Bám cơ sở nhiều năm, Trưởng Trạm Y tế xã An Viễn (Trảng Bom) ông Nguyễn Văn Trung chia sẻ: Hầu hết các ca bệnh nặng ở vùng sâu, vùng xa đều do chủ quan hoặc một số hộ nghèo ngại đi khám chữa. Thế nên chúng tôi đã xoay chuyển tâm lý này của từng người dân, giúp phòng tránh được bao nhiêu trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Hướng đến hài lòng người bệnhBS CKII Nguyễn Đức Phước, GĐ Trung tâm Y tế Trảng Bom khẳng định: Mọi đối tượng vào cơ sở y tế đều được đón tiếp, chăm sóc như nhau. Ngay từ tuyến xã cũng phải có cách chăm sóc, hướng dẫn làm hài lòng người bệnh. Đặc biệt phải tuyên truyền mạnh về vấn đề bảo vệ sức khỏe cho người dân. Có lần ở khu định canh định cư Chơ ro, ấp Nhân Hòa (xã Trung Hòa) ông Điểu Chung cùng hàng chục người dân tộc Chơ ro khác cũng chỉ thích tìm đến thầy cúng hoặc ngây ngô cho rằng rượu uống chưa mềm môi thì hết bệnh đau đầu, cảm cúm. Nhưng, mưa rầm thấm lâu, được các y tá thôn ấp truyền đạt nhiều lần ông Chung và nhiều người đã thấm hiểu và quyết tâm, có bệnh là đến cơ sở y tế.
Ở tuyến huyện, ngay tiền sảnh của Trung tâm Y tế đã có các nhân viên hướng dẫn chuyên nghiệp mọi thủ tục. Các bác sĩ tuyến trên thì khẩn trương xuống ngay tuyến dưới hỗ trợ nhịp nhàng khi có yêu cầu. Đến nay, chính sách hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại cho bệnh nhân nghèo, người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa được Trung tâm Y tế Trảng Bom triển khai rất tốt. Bên cạnh đó, các suất ăn từ thiện khi đưa vào bệnh viện đều được kiểm soát chặt chẽ an toàn nhằm bảo vệ sức khỏe cho người bệnh.
ĐÔNG HƯNG