Phát biểu tại cuộc họp báo trong khuôn khổ cuộc họp thường niên lần thứ 55 của ADB, ông Masatsugu Asakawa, Chủ tịch ngân hàng này cho biết hiện là thời điểm phù hợp và khẩn cấp nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực đã đẩy nhiều gia đình nghèo ở châu Á chìm sâu vào đói nghèo.
Ông nhấn mạnh giải pháp này sẽ mang tính toàn diện, tập trung sự chú ý vào khía cảnh an ninh lương thực cả trong trung và dài hạn. Gói hỗ trợ này sẽ bắt đầu ngay trong năm nay.
Ông Asakawa cho biết, ADB đang định hướng lại nguồn vốn từ các dự án được chọn và tăng cường hỗ trợ theo chu kỳ ở một số quốc gia với tổng số tiền khoảng 1 tỷ USD.
Ngoài ra, ADB cũng chi ít nhất 1,5 tỷ USD cho các dự án liên quan đến nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên và phát triển nông thôn.
ADB cũng đặt mục tiêu hỗ trợ thương mại và tài trợ chuỗi cung ứng, cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và nông dân; cung cấp khoản vay hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Hỗ trợ khu vực tư nhân từ các nguồn lực của ADB dự kiến sẽ đạt 800 triệu USD trong năm 2022.
Từ năm 2023 đến năm 2025, ADB cam kết bổ sung nguồn tài chính lên tới 10,7 tỷ USD và sẽ áp dụng 3 chiến lược để xây dựng hệ thống lương thực mạnh mẽ hơn, bền vững hơn và công bằng hơn.
Cuộc xung đột kéo dài tại Ukraine, một trong những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, làm dấy lên lo ngại tình trạng thiếu lương thực trầm trọng hơn. Tình trạng thiếu lương thực khiến giá lương thực toàn cầu tăng, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ bất ổn chính trị.
Theo ông Asakawa , châu Á và Thái Bình Dương dễ bị ảnh hưởng bởi các cú sốc lương thực vì một số quốc gia phụ thuộc vào các mặt hàng chủ lực và phân bón nhập khẩu.
Theo ông Asakawa, gần 1,1 tỷ người hiện không đủ ăn do nghèo đói và giá lương thực tăng cao kỷ lục trong năm nay.