Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội đã có bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, thu hút đầu tư, cải cách hành chính, an sinh xã hội... Hà Nội tiếp tục duy trì là một trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước, với mức tăng trưởng kinh tế luôn bằng 1,5 lần trở lên so với mức tăng trưởng chung của cả nước.
Quy mô tổng sản phẩm nội địa (GRDP) năm 2017 đạt khoảng 660 nghìn tỷ đồng (tương đương 30 tỷ USD), bình quân thu nhập đầu người khoảng 86 triệu đồng/năm, tăng 2,3 lần so với năm 2008. Thu ngân sách của cả Hà Nội và Hà Tây từ hơn 57.000 tỷ đồng năm 2007 tăng lên 200.000 tỷ đồng năm 2017.
Tại Hội nghị lần thứ 14 BCH Đảng bộ TP. Hà Nội khóa XVI vừa diễn ra ngày 2-3/7, đa số các đại biểu tham dự đều khẳng định tính đúng đắn của chủ trương mở rộng địa giới hành chính. Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên-Phạm Hải Hoa, huyện Phú Xuyên có xuất phát điểm khó khăn, kinh tế nông nghiệp làng nghề. Sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Hà Nội, thu nhập bình quân của huyện từ 7,4 triệu đồng/người/năm, đến nay tăng lên 33 triệu đồng/người/năm, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện.
Đồng tình với ý kiến trên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức-Bạch Liên Hương thông tin, thu nhập bình quân đầu người của huyện từ năm 2008 là 5,5 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 đã tăng lên 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 16,73% giảm xuống còn 5,6% theo chuẩn nghèo đa chiều. Văn hóa truyền thống được phát huy rõ nét hơn.
Nhấn mạnh về phương pháp công tác, cách thức làm việc của cán bộ cấp huyện cũng có chuyển biến rõ nét hơn. Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ-Hoàng Trọng Phú cho rằng, đây là kết quả của quá trình tiếp cận với các quận, huyện khác và khối lượng, yêu cầu công việc cũng khác. Về thực hiện xây dựng nông thôn mới, tuy là huyện nghèo, nhưng Phúc Thọ đã nỗ lực hết mình, hiện huyện chỉ còn 2 xã chưa đạt đủ các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, vấn đề an sinh xã hội của huyện được đảm bảo, huyện Phúc Thọ đã huy động nguồn xã hội hóa để xây dựng nhà cho người nghèo, gia đình chính sách. Tỷ lệ người dân được dùng nước sạch đạt 62%; 99% rác thải được thu gom và xử lý hằng ngày; thu nhập bình quân được nâng lên đáng kể, đạt 38 triệu đồng/người/năm (năm 2017), tăng gấp 4 lần so với năm 2008.
Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, TP. Hà Nội đã huy động bình quân hơn 1.800 tỷ đồng/năm cho khu vực nông thôn, tạo cơ sở thu hẹp khoảng cách giữa đô thị và nông thôn. Giá trị sản xuất tăng gấp hơn 4,3 lần; công tác dồn điền đổi thửa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được tập trung thực hiện; quan tâm phát triển các vùng chuyên canh và ứng dụng công nghệ cao trong phát triển làng nghề; điện, mạng lưới, xe bus được quan tâm đầu tư;
Theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thất-Nguyễn Doãn Hoàn, quyết định mở rộng địa giới hành chính Thủ đô là hoàn toàn đúng đắn. Thạch Thất là huyện tiếp nhận thêm 3 xã, thời điểm bắt đầu kinh tế khó khăn nhưng sau 10 năm hợp nhất, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 12% trong 10 năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực (công nghiệp 62%, thương mại-dịch vụ 22%...). Huyện Thạch Thất đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,3% năm 2018 xuống còn 1,18%. Thu nhập bình quân tăng từ 13 triệu đồng/người/năm lên 52 triệu đồng/người/năm; 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đứng tốp đầu của Hà Nội về đào tạo học sinh giỏi…
Duy Anh