Tính đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã có 245 sản phẩm trong tổng số của OCOP được đánh giá, phân hạng đạt 3 sao trở lên, phân bố ở các huyện: Văn Yên: 43 sản phẩm, Trấn Yên: 43 sản phẩm, Yên Bình: 38 sản phẩm, Lục Yên: 27 sản phẩm, Văn Chấn: 26 sản phẩm, Mù Cang Chải: 10 sản phẩm, Trạm Tấu: 10 sản phẩm; thành phố Yên Bái: 30 sản phẩm; thị xã Nghĩa Lộ: 18 sản phẩm. Nhiều sản phẩm trong tổng số của OCOP không chỉ mang thương hiệu có tiếng trong tỉnh mà còn được thị trường trong nước ưa chuộng và xuất khẩu sang nước ngoài, như: chè Shan Tuyết Suối Giàng, trà quế, gạo séng cù, miến đao….
Trong quá trình xây dựng và phát triển các sản phẩm trong tổng số của OCOP có sự đóng góp không nhỏ của khoa học và công nghệ (KH&CN). Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất kinh doanh. Theo ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Yên Bái, nhờ ứng dụng KH&CN mà một số sản phẩm của tỉnh đã trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị, thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người sản xuất, từ đó mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân và địa phương.
Vai trò của KH&CN được xác định ở các khâu, các công đoạn, như: Hỗ trợ hoàn thiện công nghệ chế biến quy mô nhỏ và vừa, đặc biệt là các sản phẩm của OCOP đã được công nhận đạt sao; chuyển đổi số trong sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm OCOP, xây dựng nhóm tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất và hoạt động giám sát, đánh giá sản phẩm OCOP; thúc đẩy áp dụng các giải pháp về bảo hộ và khai thác hiệu quả giá trị tài sản trí tuệ của chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm OCOP.
Là một trong những địa phương khai thác hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng sản phẩm OCOP, huyện Yên Bình luôn chú trọng vào việc triển khai các dự án, đề tài, khoa học trên các lĩnh vực, trong đó, trọng tâm trong sản xuất nông nghiệp là xây dựng các sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Thành Đạt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Bình, cho biết: “Các đề tài khoa học chuyển giao những cây con mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, đưa các quy trình Viegrap, canh tác hữu cơ, đưa máy móc vào thay thế sức lao động ở các công đoạn. Nhờ đó, các cây trồng chủ lực, như: bưởi, chè, rừng kinh tế hay lĩnh vực chăn nuôi, như nuôi ong lấy mật, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa đều có bước phát triển mạnh tăng về chất lượng, sản lượng, mở rộng thành vùng sản xuất lớn”. Đến nay, toàn huyện có 38 sản phẩm OCOP, trong đó có 34 sản phẩm chính từ nông nghiệp, như: chè xanh, gạo, cá hồ Thác Bà…
Công ty TNHH Chế biến Thủy sản Sạch Hải Hà (xã Hán Đà, huyện Yên Bình) hiện là đơn vị sở hữu 4 sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Yên Bình được chế biến từ cá lăng, cá tầm, như: chả cá, giò cá, xúc xích cá, ruốc cá…. Để có được kết quả trên, theo đánh giá của Công ty, thì công nghệ và dây chuyền sản xuất đóng vai trò quan trọng. Tận dụng lợi thế của hồ Thác Bà với nguồn nước sạch, dòng chảy thường xuyên, hệ thống vi sinh vật đa dạng phong phú, Công ty đã liên kết với HTX Thủy sản Hoàng Kim duy trì nuôi các loại cá Lăng, cá Tầm. Hệ thống lồng được sử dụng bằng các vật dụng kiên cố, để nâng cao độ bền, thể tích chăn nuôi lớn trên 100m3, năng suất 2 tấn/lồng. Đồng thời, Công ty áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap, các biện pháp được áp dụng đề cao yếu tố sinh học, an toàn với cá, bảo vệ môi trường.
Bà Vũ Thị Thu Hương, Quản lý sản xuất ở Công ty, cho biết: Công ty đã đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại, để chế biến thành các sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Với 4 sản phẩm chính là xúc xích cá, ruốc cả, chả cá và giò cá.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, HTX Sản xuất Chế biến Nông sản Tây Bắc Hiền Vinh (huyện Yên Bình) đã xây dựng quy trình sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm với 5 sản phẩm OCOP là cá mương sấy hồ Thác Bà, cá rô lọc rút xương sấy và thịt trâu sấy gác bếp, lạp sườn gác bếp, thịt lớn sấy Hiền Vinh. Để tăng cạnh tranh trên thị trường, HTX đã hoàn thiện mẫu mã bao bì sản phẩm bắt mắt, có tem nhãn mác truy suất nguồn gốc, đồng thời sử dụng công nghệ thông tin để đưa sản phẩm ra thị trường. Chị Đồng Thị Hiền, Giám đốc HTX Sản xuất Chế biến Nông sản Tây Bắc Hiền Vinh, cho biết: Các kênh thương mại trực tuyến, các nền tảng xã hội và các hoạt động hội chợ triển lãm được HTX tận dụng tối đa, nhằm phát huy khả năng kết nối trực tiếp đến người tiêu dùng nhanh chóng, thuận tiện và phù hợp với xu thế của thời đại công nghệ 4.0.
Để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Yên Bình, cho biết: Huyện Yên Bình luôn chú trọng việc bảo hộ sở hữu trí tuệ cho nông sản, như: Chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm chính (bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà, cá hồ Thác Bà, chè Hán Đà….).
Là địa phương có điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng thuận lợi, để phát triển nghề nuôi ong lấy mật, trong những năm gần đây, huyện Mù Cang Chải cũng luôn chú trọng tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi ong và khai thác mật cho người sản xuất. Huyện Mù Cang Chải đã lập hồ sơ xây dựng và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm “Mật ong Mù Cang Chải”. Địa phương này cũng khuyến khích Nhân dân xây dựng các tổ hợp tác và thành lập HTX, để liên kết phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Toàn huyện hiện có trên 6.000 đàn ong, mỗi năm cho khai thác trên 60 tấn mật mang về giá trị trên 10 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các xã, như: Dế Xu Phình, Nậm Khắt, Púng Luông. Hiện đã có 02 sản phẩm mật ong đạt OCOP là mật ong hoa tự nhiên và mật ong hoa rừng Nậm Khắt.
HTX Xây dựng, Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Mù Cang Chải là chủ sở hữu của sản phẩm OCOP mật ong hoa tự nhiên với sản lượng khoảng gần 7.000 lít mật/năm. Dù chỉ có 7 thành viên nhưng HTX đã liên kết với hàng chục hộ dân nuôi ong tại địa phương, để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Anh Nguyễn Văn Toản, Giám đốc HTX Xây dựng, Dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Mù Cang Chải, cho biết: Nhờ có gắn mã truy suất nguồn gốc, tem nhãn mác kiểm định chất lượng lại được bảo hộ sở hữu nên mật ong của HTX có điều kiện thuận lợi bán ra thị trường trên nhiều kênh từ truyền thống đến các sàn thương mại điện tử với giá ổn định từ 350 đến 400 nghìn đồng/lít, cao gần gấp đôi so với sản phẩm khác trên thị trường.
Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sự tham gia của khoa học công nghệ vào xây dựng các sản phẩm OCOP còn tạo ra những cơ hội mới để sản phẩm tiến sâu hơn vào các thị trường trong và ngoài nước, mang thương hiệu cho nông sản Yên Bái vươn xa.