Trong chuyến điều tra khảo cổ học tại xã Tân Hợp, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vào những ngày cuối tháng 2 vừa qua, Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã phát hiện tại nhà bà Đặng Thị Yến, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên có lọ chứa các hạt dẹt có nhiều kích cỡ to nhỏ hình tròn. Bước đầu xác định đây là đồ trang sức làm từ chất liệu vỏ ốc và xương sống con cá khá đặc biệt. Hiện vật được phát hiện tại đoạn bờ lở hữu ngạn sông Hồng, thuộc địa phận xã Mậu Đông (Văn Yên).
Loại đồ trang sức này lần đầu tiên được phát hiện tại Yên Bái. Đó là những hạt chuỗi làm từ vỏ ốc, xương sống con cá có màu trắng ngà. Theo giới chuyên môn cho biết, đây là các hạt chuỗi vỏ nhuyễn thể. Sơ bộ cho thấy, những hạt chuỗi này có từ thời đại Đồ đá (thời tiền sử), niên đại khoảng 3.500 - 5.000 năm.
Việc phát hiện đồ trang sức người Việt cổ tại Yên Bái là thông tin rất quan trọng, mở ra hướng nghiên cứu mới cho Bảo tàng Yên Bái khảo cứu địa phương và cung cấp tư liệu về một góc nhìn rõ hơn cuộc sống của người Việt cổ tại Yên Bái.
Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh sẽ tiếp tục khảo sát, nghiên cứu tại hiện trường, rất có thể, sẽ còn có những phát hiện mới thú vị hơn nữa ở lớp dưới trầm tích tại địa điểm này.
Theo các nghiên cứu, qua các phát hiện di cốt người hiện đại có niên đại 8 - 14 vạn năm ở hang Hùm (Lục Yên), thạp đồng Đào Thịnh, thạp đồng Hợp Minh (Trấn Yên), trống đồng Phù Nham (Văn Chấn), Mông Sơn (Yên Bình), Minh Xuân (Lục Yên) và nhiều công cụ bằng đá, bằng đồng đã khẳng định mảnh đất Yên Bái là địa bàn sinh tụ của người Việt cổ, có nền văn hóa phát triển liên tục và khá rực rỡ.