Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo UBND huyện Chi Lăng, UBND xã Gia Lộc, các nhà nghiên cứu khảo cổ học của Viện Khảo cổ học; cán bộ Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn.
Hang Ngườm Sâu, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng được Bảo Tàng tỉnh phát hiện có giá trị nghiên cứu về mặt khảo cổ học từ năm 1998, đến năm 2000, hang được tiến hành đào thám sát và phát hiện một số hiện vật khảo cổ học có giá trị.
Theo Quyết định số 1674/QĐ-BVHTTDL ngày 28/6/2023 của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ, Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn phối hợp thực hiện khai quật khảo cổ tại di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng.
Từ ngày 15 - 26/7/2023, các cán bộ nghiên cứu đã phát hiện gần 1.000 hiện vật, trong đó có một số hiện vật tiêu biểu như: Hòn ghè, rìu mài lưỡi, công cụ mảnh, mảnh tước, dấu và nguyên liệu tạo dấu Bắc Sơn, mảnh tách, đá nguyên liệu…
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận một số nội dung như: Khoanh vùng và bảo vệ, giữ gìn tính nguyên trạng của di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu nhằm phục vụ các nghiên cứu và phát huy giá trị di chỉ trong thời gian tới; các kết quả nghiên cứu khảo cổ từ di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu cần phải được gắn với phát triển du lịch, văn hóa kết hợp với du lịch trải nghiệm; tiếp tục tăng cường quảng bá và tuyên truyền các kết quả nghiên cứu về di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu.
Đánh giá sơ bộ bước đầu, các chuyên gia nhận định di chỉ khảo cổ hang Ngườm Sâu không chỉ hàm chứa các giá trị về khảo cổ học mà còn bao gồm các giá trị nghiên cứu về cổ sinh địa tầng, cổ địa chất thông qua phát hiện hóa thạch trên trần hang. Đây là một di chỉ khảo cổ “hiếm gặp” không chỉ của Lạng Sơn mà còn ở phạm vi khu vực phía Bắc Việt Nam, mang tầm phạm vi quốc gia, đây cũng là cơ sở quan trọng để các nhà nghiên cứu có thể thực hiện các nghiên cứu so sánh nhằm tìm hiểu quá trình tiến hóa trong văn hóa Bắc Sơn.