Gìn giữ biên cương
Xuân này, chúng tôi có dịp lên thăm những người con của núi, của rừng đang ngày đêm canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh là những chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Biên phòng (ĐBP) Pa Tần, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Trong cái bắt tay chắc nịch, Trung tá Nguyễn Tiến Đoàn, Chính trị viên ĐBP Pa Tần cho biết: ĐBP Pa Tần được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn xã Pa Tần với 14 bản, hơn 4.500 nhân khẩu, nơi tập trung sinh sống của 4 dân tộc (Kinh, Thái, Mông, Mảng), đường biên giới Đồn quản lý có chiều dài hơn 12,900 km, với 6 cột mốc, từ mốc 53 đến mốc 56/2. Địa hình rộng, dân cư sinh sống không tập trung, giao thông đi lại còn gặp nhiều khó khăn nhất là mùa mưa, nên việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và xây dựng thế trận biên phòng toàn dân còn gặp nhiều khó khăn.
Đại uý Hùng, Chính trị viên phó ĐBP Pa Tần đưa chúng tôi về bản gặp các già Lý A Giàng (bản Lồng Thàng), Vàng A Thào (bản Nậm Tần Mông 1), những người được bà con nơi đây ví như “điểm tựa” của bản làng.
Giờ tuy tuổi cao, sức khoẻ không còn tốt như trước, nhưng khi có dịp nói chuyện cùng bà con dân bản, nhất là lớp thanh niên, mắt già Giàng, già Thào lại ánh lên niềm tự hào và không quên căn dặn mọi người và con cháu rằng: “Để nơi đây, mỗi tấc đất, khúc sông, bờ suối đều có tên, có tuổi; giang sơn, bờ cõi đất nước ta vững vàng, danh nghĩa như ngày nay, thì máu của biết bao thế hệ ông cha đã đổ xuống. Chúng ta phải tự hào là người dân biên giới, mỗi công dân vùng biên phải thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ với quê hương, với Tổ quốc, bà con mình phải là đôi tai, con mắt của Bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ an ninh biên giới...”.
Nhân lên những mô hình nhân ái
Trong cái lạnh giá rét vùng biên, căn nhà xây kiên cố khang trang có ánh lửa bập bùng sáng lên từ gian bếp của gia đình chị Lò Thị Diêm, dân tộc Thái, bản Pa Tần 3 như làm vơi đi cái lạnh. Vừa qua, ĐBP Pa Tần phối hợp với Hội Phụ nữ xã Pa Tần tổ chức khởi công xây dựng nhà “Mái ấm biên cương” với nguồn xã hội hóa bằng tiền mặt, vật liệu xây dựng và trực tiếp các chiến sĩ BĐBP hỗ trợ ngày công giúp chị Diêm xây dựng nhà mới có diện tích hơn 40m2, với kinh phí trên 100 triệu đồng. Chị Diêm không khỏi xúc động: “Ngôi nhà mới là món quà rất lớn đối với gia đình tôi. Đây là cái Tết vui nhất với gia đình tôi từ trước đến nay, còn hạnh phúc gì bằng!”.
Hai em nhỏ Lò Việt My và Tao Đình Phúc, bản Nậm Tần Mông, học lớp 4, trường Tiểu học xã Pa Tần có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng. Nhờ mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và Chương trình “Nâng bước em đến trường”, các em đã được viết tiếp ước mơ. Với mô hình này, hằng tháng mỗi em được hỗ trợ 500.000 đồng đến khi đủ 18 tuổi.
Chương trình “Nâng bước em đến trường” đã mang đến cho những ông “bố nuôi” biên phòng Pa Tần những đứa con cơ nhỡ của bản. Cũng từ đây, những người chiến sĩ BĐBP Pa Tần có thêm một mái ấm - mái ấm đấy được nhen lên từ những trái tim nồng hậu, sự yêu thương, bao dung của người lính. Được biết, ngoài My và Phúc, mới đây Đồn phối hợp với trường Tiểu học Pa Tần thực hiện Đề án “Chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường” cho 10 học sinh trên địa bàn: “Sự sẻ chia của các anh và toàn xã hội đã thực sự giúp những trẻ em nghèo vùng cao có cơ hội thắp sáng được ước mơ tìm con chữ. Cùng với các thầy các cô giáo ở trường, giờ đây các em đã có thêm những người cha biên phòng hằng ngày chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ...”, cô giáo Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pa Tần chia sẻ.
Đại tá Lê Công Thành, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh Lai Châu cho biết: Những năm qua, nhờ thực hiện hiệu quả phương châm “3 bám, 4 cùng” với đồng bào DTTS tại khu vực biên giới của các chiến sĩ BĐBP tỉnh Lai Châu, nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ ổn định. Từ đó, giúp đồng bào thay đổi nhận thức, xóa bỏ dần hủ tục, chung tay xây dựng cuộc sống bình yên, vươn lên phát triển kinh tế-xã hội…
Chia tay cán bộ, chiến sĩ ĐBP Pa Tần khi tiết trời lạnh se sắt, trước mặt, lớp lớp những nụ đào đang hé nụ. Lại một một mùa Xuân nữa các anh ăn Tết xa gia đình, trong khoảnh khắc ấy, chúng tôi nhớ mãi câu: “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, có lẽ, cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về, khẩu hiệu ấy càng thêm ý nghĩa biết bao!