Những năm gần đây, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao tiếp tục tăng cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị, trong đó cây sầu riêng phát triển nóng, đột biến. Hội thảo nhằm đánh giá về tình hình sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện trong thời gian qua, xây dựng ngành hàng sầu riêng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển đáp ứng yêu cầu về quản lý và nhu cầu của thị trường xuất khẩu trong hiện tại và ổn định bền vững trong thời gian tới.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, Ngô Thị Minh Trinh cho biết: Hiện nay, huyện Krông Pắc có gần 7.200ha sầu riêng, sản lượng sầu riêng năm 2024 khoảng hơn 90.000 tấn. Diện tích sầu riêng được cấp mã vùng trồng hơn 2.000ha của 3761 hộ với 37 mã. Số cơ sở được đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu được cấp mã số đang hoạt động trên địa bàn huyện 18 cơ sở đóng gói. Đây là một trong những lợi thế lớn để sầu riêng của huyện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, những kết quả trên vẫn chưa tương xứng với diện tích, tiềm năng sẵn có của ngành hàng sầu riêng huyện Krông Pắc. Ngành hàng cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như quy mô diện tích nhỏ lẻ; diện tích trồng thuần thấp; tỷ lệ vùng trồng được cấp mã thấp; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa nhiều; chất lượng chưa đồng đều do ảnh hưởng biến đổi khí hậu; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; sản phẩm chủ yếu chế biến thô…
Việc tổ chức Hội thảo là rất thiết thực để địa phương, các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu sầu riêng chia sẻ kinh nghiệm; tập trung thảo luận, đề xuất giải pháp để ngành hàng sầu riêng phát triển hiệu quả.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe tham luận của các chuyên gia mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong phát triển ngành hàng sầu riêng trên địa bàn huyện trong thời gian tới. Đồng thời, cùng giao lưu, trao đổi với các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến ngành hàng sầu riêng. Trong khuôn khổ Hội thảo, Ban Tổ chức cũng ra mắt bộ 3 giải pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây sầu riêng nói riêng và rau màu, cây ăn trái nói chung...
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn cho biết: Hiện nay, sầu riêng quả tươi của Việt Nam đã xuất khẩu sang 22 quốc gia và sản phẩm đông lạnh đã xuất sang 23 quốc gia. Năm 2023 Việt Nam xuất khẩu hơn 603 nghìn tấn, kim ngạch đạt 2,24 tỷ USD. Dự báo năm 2024 diện tích sầu riêng cả nước khoảng 151.000ha, sản lượng dự kiến khoảng 1,5 triệu tấn. Trong đó, diện tích tỉnh Đắk Lắk là 34-35 nghìn ha lớn nhất nước, sản lượng dự kiến ước đạt trên 300 nghìn tấn. Đến nay, tỉnh đã được Trung Quốc phê duyệt 23 cơ sở đóng gói và 68 mã vùng trồng với tổng diện tích 2.521ha và đang chờ phía Trung Quốc phê duyệt 206 vùng trồng với diện tích khoảng 5.000ha.
Thời gian tới, Đắk Lắk tập trung thực hiện Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ đến năm 2030 với diện tích sầu riêng phát triển ổn định khoảng 40.000ha, sản lượng khoảng 790.000 tấn, trong đó diện tích được chứng nhận và cấp mã số vùng trồng khoảng 26.000ha. Mục tiêu của đề án nhằm thực hiện đầy các tiêu chuẩn quy định tại Nghị thư quả tươi và cấp đông đã được ký kết.
Mới đây, Việt Nam đã ký kết Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc, tỉnh Đắk Lắk có 17 cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh đã đăng ký thông tin xuất khẩu sang thị trường này.
Thông qua Hội thảo, đại biểu sẽ có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các xu hướng mới và cùng nhau xây dựng những giải pháp, chiến lược thực tiễn nhằm phát triển ngành hàng sầu riêng thật bền vững.