Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình NTM quốc gia, giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn ĐBKK khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước); đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK. Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn NTM của các địa phương vùng ĐBKK chênh lệch khá lớn so với vùng, miền khác của cả nước.
“Lỗi hẹn” NTM vì thiếu nguồn lực
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã có 4/5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Còn lại duy nhất xã Đưng K’Nớ - xã ĐBKK mới đạt 15/19 tiêu chí.
Ông Thân Văn Hữu, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ, cho biết: Khó khăn lớn nhất đối với xã trong quá trình về đích NTM, nằm ở tiêu chí xây dựng giao thông, trường học và cơ sở vật chất, văn hóa, các tiêu chí đòi hỏi nguồn lực rất lớn.
“Dù đã được UBND huyện Lạc Dương điều chỉnh kế hoạch lùi lại 1 năm so với dự kiến ban đầu, nhưng nếu không được tiếp sức kịp thời về nguồn lực đầu tư, xã Đưng K’Nớ rất khó khăn trong việc hoàn thành các tiêu chí còn lại trong năm 2021”, ông Hữu cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Huynh, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Lạc Dương, đến hết năm 2020, trên địa bàn 5 xã và 1 thị trấn của huyện cần phải xây dựng nhiều tuyến đường vào các khu sản xuất. Riêng tuyến đường từ trung tâm xã Đưng K’Nớ đi thôn Đưng Trang, cần phải được đầu tư xây dựng đạt chuẩn. Hiện, tuyến đường này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng quy hoạch thành tỉnh lộ DT72, có chiều dài 8 km, dự kiến nguồn kinh phí để xây dựng lên đến 120 tỷ đồng.
Với trên 75% dân số là đồng bào DTTS, đường giao thông ở Lạc Dương chủ yếu là đường mòn, địa hình dốc nên chi phí đầu tư cao. Vì vậy, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước quyết định tối đa việc hoàn thiện hạ tầng. Lạc Dương đã chấp nhận lùi thời gian phấn đấu đến năm 2023 trở thành huyện NTM, thay vì năm 2020 như kế hoạch đề ra trước đó.
“Địa phương đang nỗ lực để về đích huyện NTM. Tuy nhiên, khó khăn là cần một nguồn ngân sách rất lớn để hoàn thành một số tiêu chí, đặc biệt là giao thông”, ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết.
Tại huyện Pác Nặm (Bắc Kạn), sau hơn 10 năm triển khai Chương trình NTM, đến nay toàn huyện chưa có xã nào về đích. Thực tế cho thấy, người dân Pác Nặm đã có ý thức khá cao về xây dựng NTM, đã biết vận dụng cơ hội để vươn lên phát triển kinh tế. Nhưng do xuất phát điểm thấp, địa hình chia cắt, sản phẩm nông nghiệp chưa có nơi tiêu thụ… nên tỉ lệ hộ nghèo và thu nhập là hai tiêu chí khó đạt.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đình Điệp, Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm thẳng thắn: Những năm qua, nhu cầu vốn đầu tư cho huyện Pác Nặm là rất lớn. Nhưng trong cả giai đoạn 2016 - 2020, Ngân sách Trung ương chỉ phân bổ được gần 116 tỉ đồng. Địa phương đã linh hoạt vận dụng, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác gần 1,5 tỉ đồng để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nguồn lực trên là quá ít so với nhu cầu thực tế (bình quân mỗi xã cần khoảng 100 tỉ đồng cho cả giai đoạn 2016 - 2020) để xây dựng NTM tại địa phương.
Những ví dụ ở các địa phương trên địa bàn hai tỉnh Lâm Đồng và Bắc Kạn cho thấy, nhu cầu về nguồn lực xây dựng NTM tại vùng ĐBKK là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, việc phân bổ nguồn lực vẫn rơi vào tình trạng manh mún, giật gấu vá vai khiến nhiều địa phương lỗi hẹn NTM.
Giảm nghèo chưa bền vững
Không chỉ thiếu nguồn lực, một trong những tiêu chí then chốt nhất, đó là tiêu chí về hộ nghèo cũng đang là rào cản rất lớn, ảnh hưởng đến kết quả xây dựng NTM ở vùng DTTS và miền núi nói chung, vùng ĐBKK nói riêng.
Đơn cử như tại tỉnh Đắk Nông, sau 10 năm triển khai xây dựng NTM, số hộ nghèo hiện vẫn còn khoảng 11.800 hộ (chiếm 6,98% tổng số hộ của cả tỉnh, với gần 56.600 nhân khẩu); gần 9.400 hộ cận nghèo (chiếm 5,56% tổng số hộ của cả tỉnh, với hơn 42.000 nhân khẩu).
Trong đó, các huyện nghèo thuộc diện 30a như Đắk G’Long và Tuy Đức tiếp tục là 2 huyện có tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao nhất tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, tỉ lệ hộ nghèo chung của huyện Đắk G’Long là 27,8%, cao gấp gần 4 lần so với tỷ lệ chung của toàn tỉnh; tỉ lệ hộ nghèo chung của huyện biên giới Tuy Đức là 22,3%, cao gấp gần 3,2 lần so với mức của cả tỉnh.
Tương tự, ở tỉnh Hà Giang, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS nói chung và vùng ĐBKK nói riêng có giảm theo từng năm, nhưng chưa thực sự bền vững. Bên cạnh đó, một số mô hình tạo sinh kế chỉ dừng ở mức hỗ trợ, nên khó đem lại hiệu quả như mong đợi.
Ghi nhận tại thôn Khai Hoang, xã ĐBKK Thài Pìn Tủng, huyện Đồng Văn cho thấy, năm 2019, gia đình chị Vàng Thị Máy - hộ nghèo của thôn, được hỗ trợ 3 bao lúa giống và 2 bao phân bón để phát triển sản xuất. Cuối vụ, chị Máy thu về được 30 bao lúa. “Chỉ đủ ăn thôi, chưa xóa được nghèo đâu”, chị Máy bộc bạch.
Ông Sùng Mí Cở, Phó Chủ tịch UBND xã Thài Pìn Tủng cho biết: Năm nào xã cũng lập danh sách số hộ nghèo, hộ cận nghèo để hỗ trợ cho các thôn. Nhưng do nguồn lực có hạn, việc hỗ trợ mới chỉ dừng lại ở bao lúa giống, vài cân phân bón, có khá hơn là những hộ được hỗ trợ bò. Bởi vậy, chỉ tính riêng thôn Khai Hoang, số hộ nghèo là 26/64 hộ, chiếm hơn 1/3 số hộ trong thôn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thực hiện NTM giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,55%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm, các xã ĐBKK vùng DTTS và miền núi giảm bình quân khoảng 4%/năm. Thu nhập bình quân hộ nghèo khu vực nông thôn đến cuối năm 2020, có tăng khoảng 1,6 lần so với cuối năm 2015. Song thực tế trong xây dựng NTM, giảm nghèo vẫn là một thách thức lớn đối với nhiều địa phương...