Nền tảng vững chắc
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Lục Nam còn 4 xã khu vực III, nằm trong diện đầu tư của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi. Do đó, với việc điều chỉnh mục tiêu đạt chuẩn NTM vào đầu năm 2023, có ý kiến cho rằng, huyện “quá liều”. Nguyên do là bởi, nếu tính đến hết năm 2022 thì huyện mới đạt 6/9 tiêu chí; ngoài ra, khi huyện “về đích” NTM thì 4 xã khu vực III cũng “thoát nghèo”, ra khỏi diện đầu tư của Chương trình MTQG.
Nhưng cái “sự liều” của Lục Nam là có cơ sở, dựa trên nền tảng là những thành tựu đã đạt được trên tất cả các lĩnh vực KT-XH. Khép lại năm 2022, theo báo cáo tại Kỳ họp thứ 6 - HĐND huyện Lục Nam diễn ra ngày 23/12, huyện đạt vượt 14/15 chỉ tiêu phát triển KT-XH của năm; trong đó có 9 chỉ tiêu hoàn thành vượt kế hoạch, gồm: Tốc độ tăng giá trị sản xuất; tổng sản lượng lương thực có hạt; tỷ lệ che phủ rừng; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên; giải quyết việc làm mới; tỷ lệ hộ nghèo; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học; tỷ lệ thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế.
Trong xây dựng NTM, theo ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, đến cuối năm 2022, toàn huyện đã có 16/23 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, huyện đã có 2 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (xã Đông Phú, xã Bảo Đài) và 10 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu. Chiều sâu trong xây dựng NTM của huyện là sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng; rau an toàn, rau chế biến; dưa hấu, củ đậu, cây ăn quả…
Đặc biệt, huyện đã có 13 sản phẩm đã được cấp nhãn hiệu hàng hóa tập thể, 9 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao; 2 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao. Huyện cũng xây dựng 33 cánh đồng mẫu, 41 mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nhiều mô hình sản xuất, mô hình liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người dân nông thôn. Đến hết năm 2022, toàn huyện chỉ còn 2.532 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,17%, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025.
Cụ thể hóa chủ trương bằng hành động
Theo Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, ông Đặng Văn Nhàn, xây dựng NTM trước hết phải từ nội lực, có cách làm, chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa. Đồng thời chính quyền các cấp cần biết lựa chọn những nội dung trọng tâm, gắn với lợi ích thiết thực của người dân, cộng đồng, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM.
“Nhưng trên hết là quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân. Do đó, phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cả hệ thống chính trị và Nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ; phải làm cho người dân xác định được chính họ là chủ thể của việc xây dựng NTM thì Chương trình mới thật sự thành công”, ông Nhàn khẳng định.
Được biết, tính đến giữa năm 2022, huyện Lục Nam còn 3 tiêu chí chưa đạt, gồm: Tiêu chí số 5 (Y tế - Văn hóa - Giáo dục), tiêu chí số 7 (Môi trường), tiêu chí 8 (Chất lượng môi trường). Đối với 3 tiêu chí chưa đạt, huyện Lục Nam đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm bảo đảm kế hoạch đã đề ra.
Kết thúc năm 2022, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, HĐND huyện, UBND huyện nên tình hình KT-XH của huyện tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 17,5% (ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,8%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 25,7%, ngành thương mại, dịch vụ tăng 14,8%); cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý (ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 23,1%; ngành công nghiệp, xây dựng là 47,7%; thương mại, dịch vụ là 29,2%).
Theo Bí thư Huyện ủy huyện Lục Nam, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt mục tiêu huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2024. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện thực tế và được sự ủng hộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Thường vụ Huyện ủy đã quyết tâm đặt mục tiêu trong nửa đầu năm 2023 đưa huyện “về đích” NTM.
Để đạt mục tiêu này, ngày 14/3/2022 Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/HU về việc lãnh đạo, chỉ đạo huyện Lục Nam đạt chuẩn huyện NTM. Hằng tháng, Thường trực Huyện ủy tổ chức các cuộc giao ban với Đảng ủy các xã, thị trấn có gắn nội dung kiểm điểm xây dựng NTM đối với trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy xã trong việc lãnh đạo, chỉ đạo tại đơn vị mình; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của Bí thư Đảng ủy xã và Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng NTM. Qua các cuộc giao ban, Thường trực Huyện ủy đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện.
“Từ ngày 1/9/2022, Ban Thường vụ Huyện ủy phát động đợt cao điểm 65 ngày xây dựng NTM. Đợt cao điểm nhằm nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong việc củng cố, nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt; phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, nhất là với tiêu chí môi trường. Với các giải pháp cụ thể, Lục Nam phấn đấu hoàn chỉnh hồ sơ để tỉnh trình Trung ương thẩm định huyện NTM trong quý I/2023”, Bí thư Huyện ủy huyện Lục Nam Nguyễn Thị Kim Dung khẳng định.