Bám sát quan điểm, mục tiêu của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm về văn hóa, con người ở địa phương để xây dựng con người Yên Bái trong thời đại mới. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch số 120 – KH/TU ngày 26/6/2014 về “Tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín BCH TW Đảng, Khóa XI” và Chương trình hành động số 85-CTr/TU ngày 29/9/2014 về thực hiện Nghị quyết số 33. Đồng thời, ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa, nghệ thuật, đặt vấn đề xây dựng văn hóa và nhân tố con người luôn song hành cùng sự phát triển của tỉnh. Bằng những cách làm sáng tạo, dấu ấn về bản sắc văn hóa, con người Yên Bái từng bước được định hình trong đời sống thực tiễn.
Xây dựng văn hóa, con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, được cụ thể hóa trong Kế hoạch số 37 của Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái. Quá trình thực hiện, Đảng bộ tỉnh Yên Bái luôn quan tâm lãnh, chỉ đạo các địa phương chú trọng chăm lo xây dựng con người phát triển toàn diện; đưa nội dung giáo dục lịch sử văn hóa truyền thống vào tuyên truyền, giảng dạy tại các nhà trường. Đặc biệt là các hoạt động văn hóa, giáo dục của tỉnh được đẩy mạnh, thiết thực xây dựng con người Yên Bái hướng tới chân - thiện - mỹ; khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực, cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn.
Bà Lê Thị Thanh Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: Vai trò của lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch trong phát triển kinh tế của tỉnh ngày càng được đánh giá đầy đủ hơn. Nhiều giá trị di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy, trở thành nguồn tài nguyên quý giá để phát triển kinh tế bền vững, các hoạt động văn hóa xã hội phát triển rộng khắp góp phần nâng cao đời sống tinh thần, chỉ số hạnh phúc của người dân.
Trong giai đoạn 2021- 2023, toàn tỉnh có gần 7.000 tập thể cá nhân điển hình tiên tiến làm theo lời Bác, góp phần lan tỏa mạnh mẽ những cách làm hay, những con người sáng tạo, trách nhiệm vì cộng đồng. Nhân dân tự nguyện hiến đất, góp công xây dựng các công trình văn hóa. Hàng nghìn tấm gương giáo viên, học sinh, y bác sĩ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động giành thành tích cao trên các lĩnh vực, những điển hình vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều... Tất cả đã trở thành điểm sáng khơi dậy ý thức và lan tỏa tinh thần yêu nước, nhân ái trong cộng đồng, làm tôn lên vẻ đẹp trong đạo đức, văn hóa của con người Yên Bái.
Trong câu chuyện về lớp học tình thương của vợ chồng ông Trần Xuân Trường, Trưởng thôn và bà giáo "già" Hoàng Thị Vy ở thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình là một minh chứng cụ thể. Nếu như ông Trường tiên phong, gương mẫu đi đầu, cùng Nhân dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới thì bà Hoàng Thị Vỵ lại tình nguyện bỏ công, bỏ sức và bỏ cả tiền của để dạy chữ cho trẻ em mắc các khuyết tật bẩm sinh. Ở vị trí, công việc nào thì ông Trường, bà Vỵ cũng luôn dành tâm huyết, trách nhiệm đem lại lợi ích cho cộng đồng. Ông Trường chia sẻ: Dân đã tin yêu ủng hộ và tin tưởng mình thì tôi càng phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ, việc gì có lợi cho dân thì mình làm và phải giải quyết được những vấn đề mà dân mong mỏi.
Là một trong những người được vinh danh là “Công dân tiêu biểu tỉnh Yên Bái”, chị Lâm Thị Kim Thoa đã gắn bó với mảnh đất vùng cao xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn hơn 30 năm. Chị có tình yêu và niềm đam mê đặc biệt với cây chè Shan tuyết; chị là người truyền cảm hứng cho rất nhiều người dân ở Suối Giàng tự tin hơn trên con đường khởi sự kinh doanh, làm giàu và hơn thế, chị đã góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ nguồn tài nguyên hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Chị Thoa chia sẻ “cây chè Shan tuyết đối với tôi vô cùng cuốn hút, mỗi ngày tôi đều cảm nhận và muốn hít hà hương thơm từ cây chè, lá chè, hoa chè, búp chè…. và tôi cũng như các thành viên HTX Suối Giàng luôn mong mỏi sẽ nâng cao được giá trị cho cây chè, để cho bà con có nhu nhập ổn định, và chè Shan Tuyết Suối Giàng sẽ ngày càng được đi xa hơn trên trường quốc tế.
Trong quá trình phát triển, nhân tố con người luôn song hành cùng văn hoá và hiện diện trong các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả về thực hiện văn hóa, đạo đức trong Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Ông Đỗ Quang Minh, Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Yên Bái cho biết: Đối với các cơ quan hành chính tập trung nâng cao văn hóa công vụ, góp phần xây dựng văn hóa ứng xử, chuẩn mực đạo đức của cán bộ công chức theo hướng nâng cao chuyên nghiệp, hiệu quả, năng động, sáng tạo, phục vụ Nhân dân. Đối với doanh nghiệp, xây dựng văn hóa đạo đức trong sản xuất kinh doanh, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng bản sắc văn hóa riêng của doanh nghiệp.
Một trong những dấu ấn về xây dựng con người Yên Bái là việc đưa mỗi người dân trở thành nhân tố gìn giữ và phát huy các yếu tố bản sắc, văn hóa của các dân tộc trong thời đại mới. Với 510 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc thiểu số, trong đó có nghệ thuật Xòe Thái đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hay Nghệ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tất cả đều có dấu ấn từ khối óc, đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, một tinh thần tự hào về bản sắc dân tộc trường tồn với thời gian đã được thắp lửa bởi các nghệ nhân truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng ở Bản Đêu 1, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: “Là một nghệ nhân, tôi sẽ truyền dạy lại cho lớp trẻ ở các trường học, chị em trong thôn, trong bản để lưu truyền văn hóa dân tộc Thái của mình”.
Xây dựng con người Yên Bái phát triển toàn diện, “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” đã thể hiện rõ quan điểm, mục tiêu trong các văn kiện của Đảng bộ tỉnh Yên Bái. Đây cũng chính là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định: "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.