Nằm ở trung tâm thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, cửa hàng trang phục dân tộc Mông Giàng Mỷ của gia đình chị Giàng Thị Mỷ và anh Bàn Tòn Khoa trở thành địa chỉ thu hút đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu và mua sắm.
Khởi nghiệp với nghề thêu dệt truyền thống, chị Mỷ và chồng gặp muôn vàn khó khăn từ việc lên ý tưởng đến đi khảo sát thực tế, nghiên cứu văn hóa và thử nghiệm chất liệu truyền thống vào các thiết kế hiện đại, sao cho bảo đảm được cả tính thẩm mỹ và tính ứng dụng. Cũng trong những chuyến đi khảo sát thực tế đó, quyết tâm của hai vợ chồng chị Mỷ càng được củng cố, nhất là khi chị được chứng kiến nhiều kỹ thuật thêu, dệt và hoa văn cổ rất đặc sắc từ người dân nhưng đang bị mai một dần khi các nghệ nhân ngày càng cao tuổi, trong khi lớp trẻ không đủ hiểu biết và tha thiết giữ nghề.
Trong suốt 6 năm gắn bó với nghề thêu dệt trang phục Mông, vừa làm, vừa tháo gỡ khó khăn, vừa động viên, hỗ trợ lẫn nhau, anh Khoa, chị Mỷ đã có những bước thành công ban đầu và trở thành chủ của cửa hàng, xưởng may thêu với tổng vốn đầu tư lên đến gần chục tỷ đồng. Chị Mỷ chia sẻ: “Các hoa văn ngày xưa chủ yếu làm bằng tay, do vậy để làm ra được sản phẩm mất rất nhiều thời gian. Bởi vậy mình đã nghĩ làm sao tạo ra được nhiều sản phẩm với những mẫu hoa văn đa dạng, phục vụ yêu cầu của thị trường. Do đó, hai vợ chồng mình đã quyết định đầu tư máy móc để vừa phát triển kinh tế gia đình vừa bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống”.
Sự sáng tạo của đôi vợ chồng trẻ dân tộc Mông là từ bộ trang phục Mông truyền thống, anh chị đã phát triển thành nhiều kiểu dáng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, từ phong cách truyền thống đến hiện đại tùy theo yêu cầu của khách hàng. Cách làm này không chỉ giúp gia đình quảng bá văn hóa của người Mông thông qua bộ trang phục mà còn hướng phát triển kinh tế gia đình.
Chị Mỷ nói: “Ngày xưa mình chủ yếu dùng mẫu mã truyền thống nên sản phẩm không được đa dạng, mà giới trẻ lại yêu thích những kiểu dáng trẻ, màu sắc tươi tắn nên hai vợ chồng mình đã tìm hiểu và học hỏi thêm về các mẫu mã trên mạng, của các nước bạn và kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để tạo ra sản phẩm mới phù hợp với xu thế”.
Để có được thành công ngày hôm nay, anh Khoa, chị Mỷ đã trải qua muôn vàn khó khăn, thách thức và cả sự bỡ ngỡ trong khởi nghiệp ở lĩnh vực văn hóa truyền thống. Càng phát triển anh chị càng nhận ra tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển trang phục Mông truyền thống. Đồng thời, với mong muốn mở rộng mô hình kinh doanh, đưa các sản phẩm mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương đến với bạn bè trong nước, anh chị đã đầu tư thêm nhiều máy móc thiết bị hiện đại để phục vụ cho công việc may thêu.
Bằng sự hỗ trợ của hệ thống dây chuyền với 10 máy thêu công nghiệp, 2 máy in vải và hàng chục máy khâu, sản lượng làm ra của cửa hàng ngày càng nhiều. Đến nay, các sản phẩm may, thêu trang phục Mông của gia đình anh Khoa, chị Mỷ đã có mặt ở nhiều tỉnh thành như Sơn La, Lào Cai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… Không chỉ dừng lại ở những mẫu hoa văn truyền thống, gia đình chị Mỷ còn tham khảo các mẫu hoa văn đặc sắc của người Mông ở nhiều nước như: Trung Quốc, Thái Lan, Lào,… để làm phong phú mẫu mã, thiết kế kiểu dáng, tạo nét riêng cho các sản phẩm của mình, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, nhất là giới trẻ.
“Vẫn là hoa văn, mẫu mã truyền thống nhưng cửa hàng mình đã thiết kế ra những sản phẩm hiện đại hơn, có sự cách tân nên rất được các bạn trẻ đón nhận”, chị Mỷ chia sẻ thêm.
Đi đôi với việc phát triển các sản phẩm, thì vấn đề tìm kiếm, mở rộng thị trường cũng được đôi vợ chồng trẻ này đặc biệt quan tâm. Với lợi thế của tuổi trẻ, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nhanh nhạy, anh Khoa và chị Mỷ đã nhanh chóng đưa các sản phẩm của mình quảng bá trên mạng Internet thông qua các trang mạng xã hội, các sàn giao dịch thương mại điện tử. Nhờ vậy, 90% sản phẩm được tiêu thụ qua hình thức kinh doanh này.
Cũng nhờ vậy, cửa hàng may của gia đình anh chị còn tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động, chủ yếu các chị em phụ nữ Mông ở huyện Văn Chấn và huyện Trạm Tấu, với mức thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng.
Chị Giàng Thị Sầu là một trong những lao động đang làm việc tại cửa hàng nói: “Trước khi làm ở đây, em cũng từng làm nhiều nơi, nhưng khi biết đến cửa hàng may thêu trang phục Mông em đã xin vào làm tại đây. Ở đây em vừa có việc làm, thu nhập ổn định lại được may thêu trang phục Mông truyền thống của dân tộc mình nên em cảm thấy rất thích”.
“Thuận vợ, thuận chồng” là bí quyết để gia đình anh Bàn Tòn Khoa và chị Giàng Thị Mỷ xây dựng cơ sở kinh doanh trang phục dân tộc Mông thành công như ngày hôm nay. Chính sự chung sức, đồng lòng, thấu hiểu, cảm thông lẫn nhau đã giúp anh chị khởi nghiệp với một nghề còn khá mới đối với đồng bào nơi đây.
Cái hay của mô hình khởi nghiệp tại gia đình anh Khoa, chị Mỷ là kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị, thu nhập cho gia đình, tạo nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ học hỏi, làm theo. Từ mỗi câu chuyện khởi nghiệp thành công như của đôi vợ chồng trẻ Bàn Tòn Khoa và Giàng Thị Mỷ sẽ là “hạt nhân” lan tỏa trong phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc mà Yên Bái đang hướng tới.