Những cái kết đau lòng
Đêm 19/3, khoảng 80 thanh, thiếu niên chia làm 2 nhóm hẹn nhau giải quyết mâu thuẫn. Những người này đi xe máy, mang theo hung khí là tuýp sắt gắn dao bầu, giáo dài tự chế để tấn công, ẩu đả nhau, hậu quả có một người bị thương. Trước khi hỗn chiến, hai nhóm phóng xe máy đuổi nhau, hò hét trên nhiều tuyến đường tại Hà Nội như Lê Trọng Tấn, Tố Hữu...
Nhóm thanh thiếu niên có độ tuổi từ 14 đến 22 tuổi. Ngày 24/3, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an quận đã tạm giữ hình sự 30 đối tượng trong vụ gần trăm thanh niên vác hung khí hỗn chiến trong đêm gây náo loạn ở Hà Đông.
Tại tỉnh Đồng Nai, chiều 30/4 vừa qua, hai nhóm người đến quán karaoke H.L trên đường Lý Thường Kiệt (phường Xuân An, TP. Long Khánh) để hát, trong đó một nhóm đi ô tô còn nhóm còn lại đi xe máy. Khi ra về, hai nhóm này xảy ra mâu thuẫn do không bên nào nhường đường nhau, một xe máy dừng chắn trước đầu xe ô tô dẫn đến tranh cãi, sau đó ẩu đả với nhau. Sự việc khiến 3 người trên xe ô tô bị đuổi đánh, trong đó 2 người bị đánh hội đồng gục giữa đường bất tỉnh.
Những vụ việc như trên không phải là hiếm, khi chúng ta quan sát cách ứng xử của rất nhiều người trên đường và nơi công cộng. Nhiều người khi tham gia giao thông, đường sá chen lấn, xả rác, khạc nhổ… Khi được người khác nhắc nhở thì to tiếng, dẫn đến xô xát thậm chí là án mạng, chỉ bởi lý do cỏn con như vậy.
Ứng xử nơi công cộng không chỉ là một kỹ năng sống, mà còn thể hiện văn hóa của cá nhân. Khi cuộc sống ngày càng phát triển, văn minh trở thành một tiêu chí sống của toàn xã hội thì đáng tiếc, nhiều người lại có hành vi phản văn hóa, bạo lực trong ứng xử. Càng ngày, những vụ bạo hành nơi công cộng càng có dấu hiệu gia tăng, với mức độ nặng nề, gây ảnh hưởng đến tính mạng, danh dự nạn nhân và trật tự xã hội.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ như hiện nay, với tốc độ lan truyền chóng mặt các thông tin trên mạng xã hội, ảnh hưởng tiêu cực của những hình ảnh, vụ việc trên ngày càng nghiêm trọng hơn đối với lứa tuổi vị thành niên, khi tiếp xúc với những nội dung bạo lực.
Làm sao để ngăn chặn
Ở nước ta, việc ứng xử văn hóa nơi công cộng cũng được các cấp, các ngành và các địa phương coi trọng bằng các phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Nét đẹp công chức”, “Thanh niên thanh lịch”, “Thành phố văn minh”… Mục đích của các phong trào này, là xây dựng ý thức, trách nhiệm của người dân đối với cộng đồng bằng những hành vi ứng xử phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; cũng như xu hướng phát triển của xã hội.
Trên thực tế, hệ thống pháp luật của ta quy định chặt chẽ về những hành vi bị nghiêm cấm, nhất là việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, gây tổn hại nhân mạng và sức khỏe con người. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa quyết liệt, chưa tạo hiệu ứng răn đe cần thiết đối với những kẻ ưa bạo lực.
Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật, Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho biết: ứng xử bằng bạo lực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự của nạn nhân; đồng thời tạo ra thói quen coi thường pháp luật, thờ ơ trước pháp luật của một bộ phận người dân. Chính vì vậy, không nên đăng tải các video đánh ghen hay bạo lực học đường lên mạng, nó gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến nhiều người, nhất là trẻ nhỏ vô tình xem các video này sẽ bắt chước các hành vi xấu, lời nói thiếu văn hóa. Các video trên có thể cũng trở thành tác nhân gây ra nạn bạo lực trong gia đình, bạo lực xã hội, bạo lực học đường.
Lý giải về tình trạng này, PGS. TS.Phan Thị Mai Hương (Viện tâm lý học – Học viện Khoa học xã hội) cho biết, khi hành xử trước cộng đồng, nếu mỗi cá nhân không tự giác đặt mình trong sự chi phối của các chuẩn mực xã hội, nền tảng đạo đức, văn hóa, truyền thống,… họ rất dễ có hành vi lệch chuẩn mà điển hình là bạo lực, hoặc nhẹ hơn là nói tục, chửi bậy, sống bừa bãi…
Bạo lực chưa bao giờ là một giải pháp văn minh trong ứng xử giữa con người với nhau. Những lỗ hổng văn hóa ứng xử nơi công cộng, ngoài sự nghiêm minh của pháp luật, chỉ có thể được lấp đầy bằng ý thức của mỗi người. Vì vậy, mỗi công dân cần phải có trách nhiệm ngăn chặn cái xấu, từ những lời khuyên, can ngăn, yêu cầu thực hiện theo đúng với quy định của pháp luật. Các cơ quan chức năng cũng cần nghiêm khắc xử lý với những trường hợp ứng xử bằng bạo lực để thói hung hãn bị xóa sổ.