Câu chuyện cổ tích “chiếc ghe chìm”
Câu chuyện cổ tích không chỉ lý giải về Lễ Thac Kôn (lễ cúng dừa), mà còn giải thích những địa danh ở vùng đất này.
Chuyện rằng: Khi xưa, có một ghe buôn từ phương xa đến vùng đất này trao đổi hàng hoá. Vì đường xa nên chủ ghe làm phép thuật và dặn tất cả mọi người trên ghe, dù có nghe bất kỳ tiếng động gì cũng không được mở mắt ra nhìn. Chiếc ghe bay lướt trên không trung mỗi lúc một nhanh, tiếng gió rít bên tai làm nhiều người kinh sợ. Một người đi theo ghe buôn vì quá tò mò nên hé mắt nhìn lén? Thấy chiếc che đang lao vun vút xuyên qua những đám mây, người này hoảng sợ hét lên một tiếng rồi nhắm mắt lại nhưng đã không còn kịp nữa...
Chiếc ghe rớt xuống và chìm nghỉm, hàng hoá và vật dụng trên ghe trôi tứ tán theo dòng nước. Chiếc cồng vàng 8 núm chìm tại nơi này, ngày nay mỗi năm tổ chức Hội Thac Kôn. Một chiếc lu đồng trôi xa hơn về phía Sóc Vồ mà điểm hiện tại là ngay tại “Chùa lu đồng”. Một tượng Phật thì lại rớt trước khi chiếc ghe chìm nên ở trên dấu tích của chiếc ghe xưa chìm. Ở đây, hiện nay bà con trong Sóc đã dựng một sala cùng một ngôi miếu nhỏ để ghi nhớ tích xưa.
Lục Gru Ta Sen, Trưởng Ban quản trị Hội miếu, đã cho chúng tôi xem một vỏ ốc biển lớn đã hoá thạch mà ông nhặt được vào những năm 80 của thế kỷ XX, khi đi làm thuỷ lợi nội đồng ở xứ này.
Ông kể: Thời đó một kênh thuỷ lợi nhỏ đào xuống tầm 4 lớp leng. Khi đào tới lớp leng thứ 3, thì anh em đều thấy trong lớp này toàn là cát, vỏ sò, vỏ ốc... Hồi đó cũng nhiều người lấy những vỏ ốc biển lớn và đẹp về trưng trong nhà.
Với vẻ phấn khích ông cười tươi và tâm sự cùng chúng tôi: Trước đó, cũng có nghe chuyện ông bà kể rằng, xứ này xưa từng là biển thì tụi tui đâu có tin?! Tới chừng cầm trên tay vỏ con ốc biển đã hoá đá, thì lúc đó mới thực sự tin rằng, câu chuyện mà ông, bà mình kể là có lý!!!
“Thần Bốn mặt” và Giếng Tiên ...
Bảng lưu niệm đặt phía sau chính điện tên chùa và cổ tích ghi rằng: “Quá khứ qua đi, ở Sóc Ba Rai, vùng đất chiến thắng tất cả các kẻ thù mới có hiện tượng lạ xuất hiện, tượng phật bằng đá kim cương bảy màu nổi lên ở nơi này vào năm 1537-PL 2081. Mới đặt tên là: Chùa Prés On Prés Buôl Prés Phék. Cứ nối tiếp từ đó đến nay”.
Còn trong dân gian thì xưa nay, vẫn thường quen gọi tên chùa gọn hơn và ấn tượng hơn là “Chùa Bốn Mặt”. Lục Gru Ta Yên và Lục Ta Sen dẫn chúng tôi vào viếng “Thần Bốn Mặt” được đặt trong chánh điện. Quan sát pho tượng thần, tôi có cảm nhận sơ khởi rằng, đây là một hiện vật thuộc di chỉ văn hoá Óc Eo mà xa xưa, trải dài suốt dọc Hậu Giang-Tiền Giang. Một vị thần trong huyền thoại Hindu-Kabâl Maha-Prum, do thua trí Thomabal đã tự cắt đầu, làm nên truyền thuyết về lễ Chôl Chhnăm Thmây.
Ta Yên và Ta Sen cũng kể về sự tích Giếng tiên ông-tiên bà ở đây. Giếng Tiên Ông nằm cạnh Chùa Prés On Prés Buôl Prés Phék (Chùa Bốn Mặt). Giếng rộng nhưng “cạn xìu” vì theo sự tích thì các tiên ông vì cả tin nên bị lừa, bỏ bê việc đào giếng.
Ta Yên nhắc rằng: Cần nhớ là không có chuyện các tiên bà cởi trần đào giếng. Cái chính là “chuyện tung tin để những tiên ông tò mò”. Còn với các tiên ông thì việc nhìn trộm cũng nào hay ho gì nên mới phải lén lút bò qua bên giếng tiên bà... Khi biết mình bị lừa thì dù có gặp nhau thì cũng nào dám nói thật. Chính vậy mới có chuyện “đường mà các tiên ông bò đi-bò về sâu thành một con mương”.
Sự tích này kể lại để đề cao những người phụ nữ khôn khéo, thông minh, biết “chuyển bại thành thắng” nhờ hiểu rõ đối thủ.
...vài câu chuyện khác
Tín ngưỡng văn hoá dân gian của người Khmer Nam bộ khởi nguồn từ Hindu Giáo và ở Vũng Thơm điều này được thể hiện rất đậm nét. Ở di tích Phật Nổi, bức tượng được thờ trong miễu là hình dạng của một vị thần với 4 tay, mỗi tay cầm một món binh khí. Chiếc Cồng Vàng 8 núm đã trở thành Neak Ta bảo hộ cho vùng đất này với “Lễ cúng dừa”- một nghi thức lễ cầu mùa nay đã vang tiếng cả vùng Tây Nam Bộ.
Vẫn còn rất nhiều sự tích thật hay ở vùng đất này, nhưng người viết xin tạm dừng ở đây và mạo muội lý giải - tại sao Kompong Thum (thom)? Đây là cách phối hợp khi Việt hoá địa danh có gốc ngôn ngữ Khmer, một phần dịch nghĩa và một phần Việt hoá ngữ âm. Kompong - vũng (dịch nghĩa), thum (thom)-thơm (Việt hoá ngữ âm). Và nếu sát nghĩa hơn nữa như ngày nay thì phải là “cảng lớn”.