Khởi sắc vùng biên
Tỉnh Tây Ninh có đường biên giới dài 240km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, có 20 xã biên giới thuộc 5 huyện, thị xã gồm: huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng. Khu vực này có 21 dân tộc thiểu số sinh sống; với khoảng 20.415 nhân khẩu, trong đó, nhiều nhất là dân tộc Khmer, với khoảng 9.229 nhân khẩu.
Tỉnh xác định, việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các xã vùng biên, xây dựng nông thôn mới, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu, góp phần đảm bảo an ninh biên giới, xóa đói giảm nghèo, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Có dịp về huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, không khó để nhận thấy điện, đường, trường, tạm khang trang, đời sống kinh tế - xã hội của Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc Khmer có nhiều khởi sắc. Huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa, phát triển kinh tế... nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống.
Các cấp chính quyền, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ nên bà con ở ấp Tầm Phô đều an tâm sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống của bà con nhờ đó khá giả hơn trước đây”.
Ông Van Na Nắcấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh
Điển hình là sự thay đổi về đời sống vật chất và tinh thần của hơn 200 hộ đồng bào Khmer ở ấp Tầm Phô, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, địa phương tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Hơn 10 năm trước, đời sống người dân Tầm Phô rất khó khăn, thiếu thốn về vật chất và cơ sở hạ tầng. Nhưng nay, nhờ triển khai thực hiện đồng bộ chính sách dân tộc, cuộc sống của đại bộ phận đồng bào dân tộc Khmer đã thực sự thay da đổi thịt, kinh tế hộ gia đình ngày càng ổn định, vững chắc.
Gia đình ông Van Na Nắc, là một trong những hộ đồng bào Khmer làm giàu bằng nông nghiệp được nhiều người biết đến ở ấp Tầm Phô. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, biết tận dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng mía, ông Van Na Nắc đã mở rộng canh tác được hơn 12ha cây mía. Nhờ đó, gia đình ông có thu nhập hằng trăm triệu đồng/năm, có nhiều đóng góp trong các phong trào của địa phương.
Ông Van Na Nắc chia sẻ: “Các cấp chính quyền, địa phương luôn quan tâm hỗ trợ nên bà con ở ấp Tầm Phô đều an tâm sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống của bà con nhờ đó khá giả hơn trước đây”.
Tại huyện Tân Biên, một huyện biên giới, giáp nước bạn Campuchia, qua gần ba năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), đời sống kinh tế của đồng bào Khmer không ngừng được nâng cao, các giá trị văn hóa được bảo tồn; khả năng và cơ hội trong tiếp cận giáo dục, y tế, bình đẳng giới của đồng bào được quan tâm...
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Tân Biên đang thực hiện dự án nâng cấp trạm cấp nước tập trung cho đồng bào dân tộc Khmer; “Xây dựng nhà hoả táng cho đồng bào dân tộc Khmer” tại xã Hòa Hiệp; tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào DTTS...
Ông Huynh Bích, Người có uy tín ấp Hòa Đông A, xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên cho biết: “Trước đây đời sống của đồng bào Khmer ở xã Hòa Hiệp rất khó khăn; thiếu việc làm, giao thông đi lại khó khăn... Từ khi thực hiện Chương trình 1719, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ địa phương làm đường giao thông, giúp bà con tiêu thụ nông sản... nên đời sống người dân có nhiều khởi sắc”.
Tạo nền tảng để phát triển kinh tế
Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh, thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, cải thiện đời sống của đồng bào DTTS; phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng lao động của đồng bào DTTS, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS, giữ gìn an ninh chính trị, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.
Đánh giá việc thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh, ông Võ Đức Trong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, nhờ sự tham gia tích cực của người dân, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị chung tay xây dựng, các chương trình MTQG đã đạt được kết quả thiết thực, có ý nghĩa chính trị, xã hội, góp phần làm thay đổi rõ rệt diện mạo vùng nông thôn, đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS được cải thiện, nâng cao; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và nông thôn được giữ vững, ổn định.
Giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Tây Ninh đặt ra các mục tiêu cụ thể đối với vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống như: giảm còn dưới 10 hộ nghèo; 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; năng suất lao động xã hội tăng bình quân 6,5%/năm; 50% người DTTS (ít nhất 50% lao động nữ) trong độ tuổi lao động được đào tạo nghề, có thu nhập ổn định; trên 95% cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS có trình độ chuyên môn; trên 90% cán bộ, công chức cấp xã được bồi dưỡng kiến thức về công tác dân tộc; 100% số xã, ấp vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân; cơ bản hoàn thành chỉ tiêu đã đề ra trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.