Một thời vàng son
Những năm 2017, lên huyện vùng cao Quế Phong, chỉ nghe mỗi chuyện bà con người Mông, người Thái bàn chuyện phát triển cây chanh leo. Cũng đúng thôi. Ở thời điểm ấy, giá chanh leo cao, lại không đủ bán.
Theo tính toán của bà con, chi phí đầu tư cho 1ha bao gồm giống, trụ dây làm giàn, phân bón... khoảng 120 triệu đồng; chu kỳ sinh trưởng khoảng 4-5 năm. Trừ năm đầu, còn các năm sau năng suất có thể đạt từ 40-50 tấn/ha, đem lại thu nhập 200 - 400 triệu đồng/ha/năm. Vì thế, chanh leo đã trở thành một trong những sản phẩm tiêu biểu của Quế Phong; cao gấp nhiều lần so với trồng lúa rẫy, trồng sắn, trồng keo.
Ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ nhớ lại thời hoàng kim: Thời điểm cao nhất vào năm 2016 - 2017, diện tích chanh leo của xã đạt hơn 210ha, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Rồi ông Cường chùng giọng: đấy là 5 năm trước, nay trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 5ha cây chanh leo thôi.
Thế là người người đua nhau phá bỏ cây chanh leo, hoặc để mặc cây tàn lụi không chăm sóc. “Thủ phủ” cây chanh leo giờ chỉ còn là những đồi hoang, cỏ dại.
Chị Vi Thị Tuyết ở bản Lam Hợp buồn bã: Nhà ta có hơn 400 gốc chanh leo đấy. Mấy năm trước giá cao, bán được cả trăm triệu đồng. Nhưng nay cây bị nhiễm bệnh, kém phát triển nên quả nhỏ, năng suất và chất lượng giảm. Thương lái không mua nữa nên phải phá bỏ thôi. Tiếc lắm.
Khu vườn gần 1000 gốc chanh leo của của anh Ngân Văn Vư cũng ở bản Lam Hợp nay đã tàn lụi gần hết. Anh Vư cho hay: tôi đã phá bỏ hơn một nửa vì cây năng suất kém lại bị bệnh. Gần 400 gốc chanh leo còn lại, quả cũng ít, lại nhỏ và giá rất thấp. Nhà tôi đang chuyển sang trồng một số loại cây khác.
Làm việc với báo chí, Phó chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền xuýt xoa: Đỉnh điểm diện tích cây chanh leo trên địa bàn huyện cao nhất vào năm 2017 - 2018 thực hiện được 283 ha. Đến năm 2020, trên thân cây chanh leo xảy ra bệnh nấm trên diện rộng, dẫn đến cây phát triển kém, năng suất thấp… Vì thế mà bà con đã phá bỏ nhiều diện tích. Hiện nay, cả huyện chỉ còn khoảng 20ha, nằm rải rác ở các thôn bản của đồng bào Mông.
Lý giải “thủ phủ” chanh leo giảm diện tích đến mức chóng mặt, ông Hiền cho biết: Đây là cây “khó tính”, trồng trên một loại đất kéo dài nhiều năm sẽ bị nhiễm nấm, do vậy cơ quan chuyên môn khuyến cáo cần phải trồng luân canh.
Mặt khác, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên giá chanh leo giảm sâu. Trong khi đó, không có chính sách hỗ trợ phát triển cây chanh leo, cùng đó phía doanh nghiệp là Công ty CP chanh leo Nafoods không trồng chanh leo thương phẩm nữa, mà chỉ sản xuất cây giống nên bà con từ bỏ dần.
“Vực lại” cây chanh leo
Được biết, cây chanh leo bén duyên với vùng núi cao Nghệ An từ những năm 2010. Nhằm giúp bà con nông dân ở vùng trồng chanh leo nguyên liệu, tại các huyện Quế Phong và Tương Dương, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 14/2017 về việc hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn để hỗ trợ bà con về cây giống, phân bón, nước tưới… Ngay tại huyện Quế Phong, Huyện uỷ và UBND huyện này cũng đã có Nghị quyết số 08, đồng thời tổ chức lồng ghép các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các hộ dân có trồng cây chanh leo trên địa bàn của huyện giai đoạn 2013-2020.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền, năm 2016, Quế Phong quy hoạch diện tích trồng chanh leo 900ha ở các xã Tri Lễ, Nậm Giải, Nậm Nhoóng. Sau 2018, Quế Phong quy hoạch thêm vùng trồng chanh leo lên 1.500ha.
Sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy, diện tích trồng mới chanh leo từ năm 2013 đến năm 2020 tăng nhanh. Thời điểm cao nhất, diện tích chanh leo toàn huyện đạt gần 300ha.
Mặc dù, diện tích chanh leo giảm mạnh, nhưng Nghị quyết của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, vẫn đưa vào duy trì sản xuất cây chanh leo từ 250ha - 300ha. Hiện nay, Viện Khoa học nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đang khảo sát dự án trồng cây chanh leo theo công nghệ mới, dự kiến sẽ triển khai trên diện tích 10ha, với kinh phí ước 3 tỷ đồng.
Ông Hiền cho hay: Sau khi dự án được thực hiện, huyện sẽ đánh giá để mở rộng diện tích. Trên cơ sở này, sẽ chỉ đạo các địa phương chọn những hộ có đủ điều kiện về lao động, đất đai, kinh tế và có tâm huyết… để phát triển dựa theo mô hình áp dụng công nghệ cao. Đặc biệt, việc vận dụng các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, và các nguồn khác sẽ được ưu tiên hơn để kích cầu phát triển diện tích chanh leo.
Về giải pháp căn cơ, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền nhấn mạnh, giải pháp mang tính cốt lõi nhất mà địa phương quan tâm là, phải có doanh nghiệp đồng hành cùng bà con để sản xuất theo chuỗi liên kết. Huyện đã từng đề xuất phía doanh nghiệp, là Công ty Cổ phần Nafoods (đơn vị cung ứng giống, thu mua và chế biến sản phẩm chanh leo), tăng cường tìm kiếm thị trường tiêu thụ xuất khẩu ra nước ngoài. Khi đã có thị trường, phía doanh nghiệp cần thực hiện mô hình trồng chanh leo để tạo sức lan tỏa cho người dân làm theo.
Khẳng định thêm nếu diện tích chanh leo tăng trở lại và có đầu ra ổn định, ông Hiền nói chắc nịch: khi ấy, bà con sẽ thoát nghèo và có cuộc sống bền vững từ sản phẩm chanh leo quả.