Hơn nửa bát cơm thừa không đáng bao nhiêu, nhưng nếu tích lại nhiều lần để quy ra tiền lại là một chuyện khác. Và có lẽ, người thành phố ít biết đến giá trị của một bát cơm đối với người nghèo khó ở vùng sâu, vùng xa là như thế nào.
Nhưng ấy là chuyện trong gia đình, còn ngoài xã hội thì sao? Hôm qua, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc, tình trạng lãng phí lại được nhắc lại trong báo cáo kiến nghị cử tri trước Quốc hội.
Trong gia đình, khi phải móc hầu bao sinh hoạt phí, chẳng bao giờ có chuyện lãng phí; nhưng ngoài xã hội, sử dụng “tiền chùa” lại là chuyện khác.
Ai hay, tròn 10 năm trước, một dự án nước sạch theo Chương trình 134 của Chính phủ được triển khai dựa trên nhu cầu nước sạch cấp bách của bà con hai xã Đạo Trù, Bồ Lý (huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Nhưng cái công trình 12 tỷ đồng ấy không rỉ ra được một giọt nước sạch nào.
Dường như, chúng ta có thể bắt gặp bất cứ đâu những sự lãng phí đến vô lý như thế. Đó là những khu chợ không có người họp; những ký túc xá 1.400 phòng bị bỏ hoang, những khu đô thị tái định cư bán không ai mua...
Một sự lãng phí vô lý “rõ nét” nhất là dự án Trường Đại học Thủy lợi cơ sở 2, tại Phố Hiến (Tiên Lữ, Hưng Yên). Trường được xây dựng khang trang, với tổng mức đầu tư 1.137,35 tỷ đồng, với tham vọng dạy và học gần 15.000 sinh viên. Nhưng mỗi năm học chỉ đào tạo vài trăm sinh viên. Tại thời điểm tháng 5/2018, cả trường chỉ có khoảng 400 sinh viên đang theo học lớp quân sự và ăn ở luôn trong hệ thống kí túc xá.
Trường lấy vốn ở đâu để xây cơ sở này? Hãy xem: trong 1.137,35 tỷ đồng xây trường thì 986,103 tỷ đồng vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); vốn trong nước là 151,23 tỷ đồng; vốn ngân sách nhà nước là 142,61 tỷ đồng. “Chủ đầu tư”-tức là Trường Đại học Thủy lợi, vỏn vẹn chỉ có… 8,63 tỷ đồng!.
Rõ ràng, đây là một sự hết sức vô lý. Chúng ta không thiếu luật trong quản lý xây dựng cơ bản. Nhưng vì sao kiểu xây dựng chỉ để giải ngân, tiêu tiền như kiểu “đốt” tiền kia vẫn cứ lặp đi lặp lại, đến kỳ họp Quốc hội nào cũng trở thành vấn đề “nóng” trên nghị trường?
SỸ HÀO