Tham dự Hội nghị có ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch; ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh; bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh; ông Bùi Văn Nghiêm - Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long; ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các tổ chức, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiêu biểu trên lĩnh vực Du lịch và Thương mại, các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Vĩnh Long có vị thế thuận lợi trong phát triển kinh tế khi là tỉnh nằm giữa 2 thành phố lớn (TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh), có 5 tuyến Quốc lộ đi qua, lại có nhiều cửa sông lớn nên rất thuận lợi. Phát huy lợi thế về vị trí của mình, Vĩnh Long đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực. Ngoài ra, tỉnh đã nghiên cứu vận dụng để xây dựng các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư riêng của địa phương trong khuôn khổ cho phép ở tất cả các ngành kinh tế với phương châm “Thành công của các doanh nghiệp tại tỉnh Vĩnh Long chính là sự thành công của chính quyền tỉnh trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của tỉnh Vĩnh Long”.
“Hội nghị lần này ngoài giới thiệu, quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư của mỗi địa phương cũng như từng bước thúc đẩy chương trình liên kết đi vào chiều sâu, toàn diện hơn, hướng đến phát triển kinh tế một cách bền vững, trên cơ sở nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm.
Cùng với Vĩnh Long, TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực kết nối các doanh nghiệp và các tỉnh thành khu vực ĐBSCL, để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19, TP. Hồ Chí Minh đã mở rộng thêm với nhiều khu vực, liên kết 6 vùng, 46 tỉnh thành trong cả nước trong đó các tỉnh, thành ĐBSCL đóng vai trò quan trọng. Vĩnh Long là một trong những điểm đến thú vị là sự liên kết nối dài hành trình điểm thu hút, trong năm 2022, TP. Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm trung chuyển khách du lịch đã kết nối du khách đến Vĩnh Long khoảng 1 triệu lượt khách.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Hà Văn Siêu - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch đánh giá cao sự nỗ lực của 2 tỉnh thành, góp phần thúc đẩy du lịch phục hồi. Đồng thời nhận định, tiềm năng du lịch của Vĩnh Long còn rất lớn, nhất là các mô hình du lịch miệt vườn, sông nước, du lịch nông nghiệp công nghệ cao… Đây là cơ hội lớn cho những doanh nghiệp du lịch. Thông qua các hội nghị, hội thảo du lịch Vĩnh Long đang dần được đánh thức đây là thời điểm để các nhà đầu tư vào cuộc. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL đang bị trùng lặp, nên Tổng cục kỳ vọng thời gian tới sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch mới, tạo ra những sức hút mới. Đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tìm ra những gióa trị độc đáo để quảng bá nó trở thành những sản phẩm đặc trưng.
Tại Hội nghị, các nhà đầu tư, doanh nghiệp du lịch cũng đã trình bày tham luận về giải pháp phát triển du lịch của Vĩnh Long giới thiệu các tour tuyến hấp dẫn như: Sắc màu Khmer, Nhịp sống Mekong, Vĩnh Long - Đệ nhất Homestay, Vĩnh Long - Dấu xưa hoài niệm... cùng nhiều góp ý giúp Vĩnh Long phát triển toàn diện về thương mại dịch vụ và du lịch.
Dịp này, đã diễn ra lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa các sở, ngành, hiệp hội của tỉnh Vĩnh Long với TP. Hồ Chí Minh và trao quyết định chủ trương đầu tư tư; trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Và biên bản ghi nhớ đầu tư (MOU) cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư trên 5,5 nghìn tỷ đồng.