PV: Thưa ông, thực hiện Tiểu dự án 3-Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, thời gian qua, thị xã Vĩnh Châu đã triển khai thực hiện như thế nào?
Ông Trần Văn Thanh: Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND thị xã Vĩnh Châu, ban hành Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết của HĐND tỉnh Sóc Trăng về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng và Kế hoạch của UBND tỉnh Sóc Trăng về phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Châu đã cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển nguồn nhân lực; đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của doanh nghiệp gắn với mô hình đào tạo nghề theo địa chỉ, nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số về đào tạo lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thành các mục tiêu chủ yếu trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong giáo dục nghề nghiệp; đặc biệt là các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.
Phát huy hình thức tuyển sinh trực tiếp, đẩy mạnh và đa dạng các kênh tư vấn tuyển sinh, đặc biệt là cần ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong thực hiện công tác tư vấn, tiếp nhận, xét hồ sơ, thông báo kết quả trúng tuyển.
Thường xuyên, định kỳ điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh chương trình, giáo trình đào tạo theo hướng đáp ứng chất lượng đầu ra. Mua sắm, sửa chữa trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ đào tạo tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và các cơ sở dạy nghề, đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của thị xã.
Bên cạnh đó, phát triển đội ngũ công chức, viên chức quản lý và đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp và đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thị xã.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp như: chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ dưới 3 tháng; chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động vùng đồng bào DTTS;…
PV: Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, việc thực hiện Tiểu dự án 3 đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào DTTS, góp phần giúp địa phương xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiê, trong quá trình triển khai, thị xã Vĩnh Châu có gặp khó khăn gì không ? Địa phương đã có những giải pháp như thế nào để tháo gỡ, thưa ông?
Ông Trần Văn Thanh: Qua 3 năm thực hiện địa phương đã và đang gặp một số khó khăn,vướng mắc như nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện còn khác nhau, chưa thống nhất. Từ đó, làm phát sinh nhiều hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán trong thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, dẫn đến khó khăn khi thực hiện. Việc thực hiện nội dung hỗ trợ người lao động vùng đồng bào DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng còn hạn chế, do thủ tục thanh quyết toán còn nhiều bất cập.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã chưa được thụ hưởng đối với nội dung “Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi”; trong khi trung tâm lại là đơn vị thực hiện chức năng giáo dục nghề nghiệp, giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông, xóa mù chữ, liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng,… Đây cũng là điểm nghẽn ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện Tiểu dự án 3 trên địa bàn thị xã trong thời gian qua.
Cùng với đó, đối tượng và địa bàn thụ hưởng giữa các Chương trình MTQG với nhau, như: Cùng là người DTTS, nhưng không thuộc vùng đồng bào DTTS thì chưa được hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, …
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc vừa nêu, chúng tôi xác định tăng cường truyền thông và tư vấn về vai trò, vị trí, lợi ích mang lại của việc học nghề, việc làm để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho người lao động vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để vận động người dân tham gia tích cực hơn, Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản quy định, hướng dẫn của trung ương, địa phương và kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Tiểu Dự án 3 theo quy định và đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình liên kết với doanh nghiệp để mở rộng các ngành, nghề đào tạo, liên kết trong đào tạo, tuyển dụng lao động. Trong đó, chú trọng phát triển một số ngành, nghề đào tạo mới như logistics, công nghệ số, chế biến sâu các sản phẩm nông, thủy sản,… nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại.
PV: Để nâng cao hiệu quả thực hiện Tiểu dự án 3, cũng như phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động DTTS trên địa bàn, thị xã Vĩnh Châu có đề xuất, kiến nghị gì?
Ông Trần Văn Thanh: Để chính sách tiếp tục phát huy hiệu quả, chúng tôi mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách quy định chung đối với các chính sách hiện hành, như: Chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 và Nghị định 97/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ;
Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho các đối tượng như: thanh niên quy định tại Điều 14 Nghị định số 65/2015/NĐ-CP ngày 07/8/2015; người chấp hành xong án phạt tù quy định tại Điều 11 Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ; người sau cai nghiện ma túy quy định tại Điều 80 Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ; các đối tượng quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ; người lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; người lao động lao động nông thôn quy định tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính người có đất thu hồi quy định tại Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ…
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Trao đổi với báo chí trước đó, ông Nguyễn Văn Khởi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng cho rằng: Một số nội dung như Tiểu dự án 3 và Dự án 5 còn bất cập. Sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ đặt ra thách thức lớn cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ quản lý và giáo viên, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đối tượng thụ hưởng giảm dần theo từng năm, không đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho giai đoạn 2021-2025.
Ông Khởi có kiến nghị với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Bổ sung "Trung tâm GDNN-GDTX" vào danh sách đối tượng thụ hưởng kinh phí để hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng và mua sắm trang thiết bị, đảm bảo giải ngân vốn đúng tiến độ. Hợp nhất các nội dung liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và việc làm trong 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia thành một chính sách thống nhất, giảm thủ tục hành chính. Tăng mức hỗ trợ tiền ăn từ 30.000 đồng/ngày/người để thu hút người học nghề và bổ sung chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động quá tuổi nhưng còn đủ sức khỏe lao động.