Đổi đời nhờ có cơ hội đi xuất khẩu lao động
Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống (trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 53% dân số toàn thị xã), Vĩnh Châu xác định chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của địa phương. Trong đó, chất lượng nguồn lao động đóng vai trò quyết định đối với quá trình lao động sản xuất, kinh doanh của mỗi địa phương, nhất là ở những nơi có đông đồng bào DTTS, có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Từ nguồn lực đến từ Tiểu dự án 3 - Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719, Vĩnh Châu đã chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ nhiều lao động thuộc vùng đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm. Nhờ đó, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trước đây, gia đình bà Thạch Thị Thương (trú tại ấp Soài Côn, Phường 2, thị xã Vĩnh Châu) vẫn thuộc diện khó khăn. Gia đình có 5 người con không có việc làm ổn định, người chồng lại thường xuyên đau ốm, chỉ có thể dựa vào mấy công đất nuôi tôm.
Thời điểm đó, gia đình bà Thương được chính quyền địa phương và cán bộ Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu tư vấn và hỗ trợ vay vốn đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, 2 đứa con gái bà tham gia đi lao động ở Đài Loan (Trung Quốc), với công việc sản xuất thiết bị y tế. Sau 3 năm, 2 người con gái đã gửi tiền về xây nhà, cuộc sống của gia đình cũng tứ đó cải thiện dần.
"Hiện cất nhà cho gia đình thì khoảng 400 triệu đồng, còn nhà riêng thì dự định hết khoảng 500 triệu đồng. Hằng tháng con gửi về cho tôi 5-6 triệu đồng để chi tiêu và nuôi cháu. Trước đây thì gửi về 10 triệu đồng/tháng", bà Thương nói.
Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ, anh Châu Tuấn (trú tại ấp Âu Thọ B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu) đã quyết định cho con trai là Châu Kiến Hòa, sang Đài Loan (Trung Quốc) du học đại học an toàn thực phẩm theo chương trình du học sinh vừa học, vừa làm.
Đến thời điểm hiện tại, em Hòa cũng đã tốt nghiệp và đang làm việc cho một công ty thực phẩm ở Đài Loan (Trung Quốc), với mức thu nhập ổn định và có thể phụ giúp gia đình. Anh Tuấn tâm sự, điều vui nhất là trong thời gian vừa học vừa làm, gia đình anh không phải tốn tiền lo cho con.
Tạo đòn bẩy để đồng bào vươn lên
Ông Trần Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Châu, thông tin: Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường, công ty có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi đảm bảo đủ các điều kiện đăng ký tham gia. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm ở trong và ngoài nước. Qua đó, để người dân nắm bắt thông tin, hiểu được ý nghĩa, chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Số liệu thống kê trong năm 2024 cho thấy, toàn thị xã có 72 lao động tham gia ký hợp đồng lao động có thời hạn ở nước ngoài, trong đó lao động là đồng bào DTTS chiếm hơn 80%. Mức thu nhập bình quân của người lao động từ 10-40 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trần Văn Thanh, việc hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực và có thể thấy rõ khi người lao động đi làm việc ở nước ngoài thu nhập có tăng lên.
Khoảng 3 năm làm việc tại nước ngoài, người lao động có thể tích lũy được từ 500 - 700 triệu đồng. Với số tiền tích lũy được, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng nhà cửa khang trang. Người lao động sau khi về nước cũng có thể đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nhận định: Giai đoạn vừa qua, địa phương đã triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 3, đồng thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này với mục tiêu mỗi năm đưa khoảng 80 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
“Việc tăng cường đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài là giải pháp hiệu quả trong giải quyết việc làm, mang đến thu nhập cao cho người lao động, từng bước cải thiện đời sống, góp phần giảm nghèo tại địa phương. Cùng với đó, bản thân người lao động cũng ý thức hơn trong việc tự rèn luyện nâng cao trình độ ngoại ngữ, phát triển tay nghề để tìm kiếm các cơ hội việc làm tốt hơn ở nước ngoài. Sau khi về nước có khả năng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ổn định kinh tế”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu Trần Trí Vân nhấn mạnh.