Phóng viên: Xin bà chia sẻ một số kết quả nổi bật của tỉnh Sóc Trăng trong công tác đào tạo nghề cho lao động vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Bà Lục Bích Phúc: Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mạnh mẽ Tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719. Đến nay, hơn 10.900 lao động DTTS đã được tuyển sinh tham gia các khóa đào tạo nghề. Tỷ lệ tốt nghiệp đạt hơn 90%, trong đó gần 99% sau đào tạo có việc làm.
Bên cạnh đó, nguồn vốn Tiểu dự án 3, đã hỗ trợ tăng cường điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho lao động người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm.
Đồng thời, hỗ trợ thanh niên DTTS sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hoạt động GDNN tìm kiếm được việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả GDNN; chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Bên cạnh đó, còn giúp các cơ sở hoạt động GDNN trên địa bàn tỉnh từng bước phát triển cả về quy mô tuyển sinh, đào tạo phù hợp với xu hướng phát triển trong thời kỳ mới.
Phóng viên: Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai, thực hiện Tiểu dự án 3 có gặp những khó khăn, vướng mắc gì, thưa bà?
Bà Lục Bích Phúc: Trong giai đoạn 2021-2024, thực hiện Tiểu dự án 3 tỉnh Sóc Trăng mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mới chỉ đạt trên 30% so với kế hoạch cả giai đoạn 2021-2025.
Thực tế, chúng tôi đang gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như: Hiện nay, còn tồn tại cùng lúc quá nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và hỗ trợ đào tạo dưới 3 tháng, kèm theo đó là nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện đã làm phát sinh nhiều hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán.
Việc hỗ trợ người lao động vùng đồng bào DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng còn hạn chế ...; các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai, thực hiện chưa sát với tình hình thực tế của địa phương. Điển hình, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố chưa được thụ hưởng đối với nội dung “Tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học cho các cơ sở GDNN vùng đồng bào DTTS và miền núi”, trong khi các trung tâm này lại là đơn vị thực hiện chức năng GDNN, giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông, xóa mù chữ, liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng… Đây cũng là điểm nghẽn chính ảnh hưởng đến tiến độ, kết quả thực hiện Tiểu dự án 3 trên địa bàn tỉnh sóc Trăng.
Ngoài ra, các đối tượng thụ hưởng giữa các Chương trình MTQG tính theo tiêu chí còn trùng với nhau. Hay như cùng là người DTTS, nhưng không thuộc vùng đồng bào DTTS thì chưa được hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm dù hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn.
Thực tế triển khai còn cho thấy, chương trình đào tạo một số ngành, nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vị trí việc làm trong doanh nghiệp. Đa số các khóa học tập trung vào ngành, nghề nông nghiệp, tiểu thủ công truyền thống, trong khi các ngành, nghề kỹ thuật cao, dịch vụ và công nghiệp hiện đại lại chưa được quan tâm đúng mức. Điều này khiến chất lượng, cơ hội việc làm sau đào tạo chưa được mở rộng, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động thay đổi nhanh chóng.
Phóng viên: Trước những khó khăn đã được nhận diện nêu trên, tỉnh Sóc Trăng có những giải pháp gì, thưa bà?
Bà Lục Bích Phúc: Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc vừa nêu, chúng tôi đưa ra một số giải pháp cơ bản như: Tiếp tục triển khai thực hiện các văn bản quy định, hướng dẫn của trung ương, địa phương và kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Tiểu Dự án 3 theo quy định và đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao; tăng cường truyền thông và tư vấn về vai trò, vị trí, lợi ích mang lại của việc học nghề, việc làm để góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người lao động vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để vận động người dân tham gia tích cực hơn; tiếp tục liên kết với doanh nghiệp để mở rộng các ngành, nghề đào tạo và tuyển dụng lao động sau tốt nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển một số ngành, nghề đào tạo mới như logistics, công nghệ số, chế biến sâu các sản phẩm nông, thủy sản..., nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại.
Đặc biệt, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phát triển GDNN, giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Trong đó, quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và trang thiết bị tại các trường cao đẳng được quy hoạch trở thành trường cao đẳng chất lượng cao; các cơ sở hoạt động GDNN công lập và phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao ngoài công lập. Hướng đến hình thành mạng lưới cơ sở hoạt động GDNN đảm bảo chất lượng giảng dạy và cung cấp môi trường học tập tốt nhất cho người lao động trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Phóng viên: Để nâng cao hiệu quả thực hiện Tiểu dự án 3, cũng như phát triển GDNN cho lao động DTTS trên địa bàn tỉnh, bà có đề xuất, kiến nghị gì đối với Trung ương và các cơ quan chức năng?
Bà Lục Bích Phúc: Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc vừa nêu, chúng tôi kiến nghị: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách quy định chung đối với các chính sách hiện hành đối với người lao động vùng đồng bào DTTS quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; người lao động lao động nông thôn quy định tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính người có đất thu hồi quy định tại Quyết định số 12/2024/QĐ-TTg ngày 31/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ, …
Đối với Bộ Tài chính, cần sớm có hướng dẫn các tỉnh, thành phố tự cân đối ngân sách thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên học tại các trường cao đẳng, đại học công lập trên địa bàn; hoặc xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27 tháng 8 năm 2021 và Nghị định 97/2023/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ cho phép địa phương thực hiện cấp bù học phí cho các học sinh, sinh viên này. Xem xét ban hành văn bản quy định, hướng dẫn nội dung chi, mức chi, quy trình, thủ tục thanh quyết toán chung nhất đối các chính sách nêu trên.
Bên cạnh đó, chúng tôi kiến nghị trung ương quy định cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nghề, như hợp tác mở lớp đào tạo, cam kết giải quyết việc làm sau đào tạo. Điều này sẽ giúp chương trình đào tạo nghề gắn liền hơn với nhu cầu thực tế của thị trường.
Với những giải pháp và sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chắc chắn công tác GDNN, giải quyết việc làm cho lao động DTTS sẽ tiếp tục đạt được những bước tiến mới, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho lao động vùng đồng bào DTTS nói chung và cho người lao động là người DTTS nói riêng.