Đã hơn chục năm gắn liền với đảo Bạch Long Vĩ, bác sĩ Phạm Văn Hải vẫn ngày đêm quyết tâm bám đảo để dốc sức mình chữa bệnh cho người dân.
Bác sĩ Hải chia sẻ: Anh là con duy nhất trong gia đình, bố mẹ cũng già yếu nhưng lúc ấy chỉ nghĩ, những gì mình học được phải được cống hiến cho xã hội, cho những con người còn chịu nhiều thiệt thòi hơn. Ra đảo sẽ vất vả lắm, sẽ thiếu thốn trăm bề nhưng làm nghề cứu chữa bệnh cứ chọn nơi nào an nhàn sung sướng, thì bệnh nhân ở nơi khó khăn biết trông vào ai…
Những ngày đầu bước chân lên Đảo, thiếu thốn từ những thứ nhỏ nhất và đặc biệt là hiếm nước sinh hoạt, khiến anh không khỏi lo lắng. Nỗi lo không phải là làm thế nào để về đất liền mà làm sao để bà con dân đảo được chăm sóc, quan tâm hơn và đời sống khá hơn.
Ra Đảo bác sĩ Hải được phân công công tác tại Khoa khám bệnh của Trung tâm Y tế. Đến năm 2008, Trung tâm được đổi thành bệnh viện, nay là Trung tâm y tế Quân dân Y theo QĐ176 của UBND TP. Hải Phòng.
Bác sĩ Hải chia sẻ: Nếu ở trong đất liền, những ca mổ hay bệnh nguy hiểm thì có rất nhiều các bác sĩ chuyên môn hội chẩn, nếu không đủ điều kiện khám chữa có thể chuyển tuyến cao hơn, chất lượng hơn để chữa trị. Thế nhưng, ở Bạch Long Vĩ, bệnh nhân đến với Trung tâm y tế chỉ biết giao tính mạng cho các bác sĩ, chính vì thế áp lực càng đè nặng nên chúng tôi phải luôn cân nhắc thật kỹ vì mình chính là người ngăn chặn lưỡi hái tử thần đến với các bệnh nhân.
Mỗi lần nhìn bệnh nhân tỉnh dậy, với lòng biết ơn sâu sắc, nước mắt rưng rưng cầm tay bác sĩ như lời cảm ơn là động lực để anh quyết tâm bám đảo cứu người cho đến nay.
Hiện nay, anh Hải đã có hai con và đều ở trong đất liền với mẹ. Có những năm anh phải trực Tết không về nhà được, chị lại khăn gói đưa con ra thăm bố. Khi con còn nhỏ, mỗi lần được nghỉ phép về thăm nhà, anh không khỏi tủi thân khi xa nhà lâu ngày nên con chẳng nhận ra bố, thậm chí cứ bố đến gần là khóc vì lạ. Khi các con lớn thêm một chút, chị thường xuyên vượt sóng đưa con ra thăm anh.
Canh cánh những nỗi lo cho gia đình và nỗi nhớ nhà, nhưng khi được hỏi mong ước của mình, anh Hải vẫn chỉ nghĩ đến công tác khám chữa bệnh ngoài đảo. Anh nói: Ở Bạch Long Vĩ, cơ sở vật chất đã được quan tâm nhưng còn thiếu thốn nhiều khiến cho những ca bệnh nặng rất khó xoay sở, “tôi chỉ mong có những cơ chế chính sách giữ chân những người có tay nghề giỏi ở lại làm việc để bớt đi sự thiệt thòi lớn cho nhân dân sống trên đảo”.
NGỌC TRANG