Đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Hà Giang đang tích cực triển khai các hành động cụ thể trên từng lĩnh vực, đảm bảo phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, đồng thời góp phần chống biến đổi khí hậu, phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái.
“Trung ương cũng rất mong muốn Sơn La trong thời gian tới sẽ là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Thực hiện theo đúng kết luận của Bộ Chính trị, chúng tôi sẽ cố gắng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và sẽ phát triển công nghiệp chế biến nông sản là lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm”
Ông Nguyễn Hữu ĐôngBí thư Tỉnh ủy Sơn La
Trong 10 năm (2012 - 2022), toàn tỉnh Hà Giang đã thực hiện chuyển đổi được trên 7.850ha đất trồng ngô sang cây cây ăn quả, rau, đậu, cỏ chăn nuôi... Nhân rộng mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên cây lúa tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng các mô hình trồng rau trong nhà lưới ứng dụng công nghệ cao; liên kết phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tận dụng các sản phẩm, phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang được các địa phương tích cực nhân rộng.
Tại tỉnh Sơn La, phát huy thế mạnh về đất đai, khí hậu, lao động và chính sách hỗ trợ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng công nghệ cao, tỉnh đã thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đầu tư ứng dụng công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, lai tạo các giống mới cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Điển hình, như ngành Nông nghiệp tỉnh đã tập trung ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại huyện Mộc Châu; ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp như chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn lọc đàn cá bố mẹ; áp dụng công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp vuốt đẻ và ấp trứng bằng bình vây; ứng dụng phương pháp lai xa hoặc sử dụng hóa chất để tạo giống đơn tính trong sản xuất cá giống.
Đến nay, tỉnh Sơn La đang thực hiện hỗ trợ, duy trì, phát triển 236 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản an toàn; đưa vào sản xuất 51 bộ giống có thời gian sinh trưởng khác nhau nhằm kéo dài thời gian thu hoạch, tăng năng suất, chất lượng. Duy trì 13.109ha ghép cải tạo cây ăn quả; 1.234ha cây trồng được áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, phun; hơn 53ha trồng trong nhà lưới, nhà kính, nhà màng; 3.962ha cây trồng áp dụng quy trình VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương..
Hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững
Xác định: “Thúc đẩy tăng trưởng xanh, xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đặt mục tiêu: Xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại Mộc Châu; Xây dựng và hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Diện tích cây trồng áp dụng VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương; Tiếp tục xây dựng quản lý, phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh...
Còn với Hà Giang, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Theo ông Hoàng Hải Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang: Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, ngành Nông nghiệp đã tham mưu, triển khai đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững, giảm phát thải, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu áp dụng các kỹ thuật, công nghệ tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả thu hoạch, bảo quản và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vật tư đầu vào, giảm tổn thất sau thu hoạch.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích người dân chuyển từ quy mô sản xuất nhỏ, phân tán sang sản xuất tập trung, hình thành vùng nông nghiệp trọng điểm gắn với sản xuất hữu cơ, bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng.
Trong nhóm nhiệm vụ 7 của Kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi xanh giai đoạn 2021 - 2030, Ủy ban Dân tộc là cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ tích hợp và thúc đẩy thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các nhóm yếu thế và các nhóm bị ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng và bổ sung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.