Phát hiện chấn động
Anh Hoàng Văn Sơn (47 tuổi), là một trong những công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến, đóng tại khu kinh tế Đông Nam, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Anh vào làm việc tại công ty này từ tháng 10/2019, với mức lương 6 triệu đồng/tháng, tại dây chuyền trộn bột đá.
Làm việc tại Công ty này được gần 3 năm, đến tháng 6/2022, anh Sơn cảm thấy sức khỏe dần đi xuống. Cùng thời điểm này, anh nhận được thông tin anh Trần Hữu Quang (37 tuổi, cũng trú tại xã Nghi Hưng, Nghi Lộc), phát hiện bản thân bị bụi phổi nghiêm trọng trong một lần đi khám. Trước đó, anh Quang cũng có hơn 3 năm làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến. Thấy lo lắng, nhiều công nhân tại công ty này, trong đó có anh Sơn mới hốt hoảng đi khám và đồng loạt phát hiện đã bị bệnh bụi phổi nặng, hầu hết không thể rửa được.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ cuối tháng 9/2022 đến đầu tháng 12/2022, 3 công nhân của Công ty này lần lượt tử vong do bụi phổi, trong đó, có trường hợp tử vong chỉ sau hơn 1 tháng nghỉ việc tại Công ty này. Thấy tình trạng nghiêm trọng, công nhân khi đó mới làm đơn trình báo chính quyền địa phương.
Sau khi nhận được đơn trình báo của người dân, tháng 2/2023, UBND huyện Nghi Lộc có báo cáo gửi Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam để làm rõ. Theo báo cáo này, trên địa bàn huyện Nghi Lộc có đến 8 người bị bụi phổi từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến, trong đó 3 người đã tử vong.
Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam lập tức vào cuộc kiểm tra và yêu cầu phía công ty tổ chức thăm hỏi, động viên 8 gia đình có người lao động bị bụi phổi; tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho toàn bộ người lao động. Khi đó, phía công ty mới đến thăm hỏi, hỗ trợ mỗi gia đình có người qua đời 3 triệu đồng, các trường hợp bị bệnh nhận 2 triệu đồng.
Ngày 15/3/2023, Công ty tổ chức khám để phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 28 công nhân tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An, kết quả có thêm 3 công nhân bị bụi phổi.
Theo tìm hiểu, ngoài 8 trường hợp mặc bệnh bụi phổi mà huyện Nghi Lộc báo cáo, đến thời điểm này đã có thêm 6 trường hợp trên địa bàn huyện này cũng bị bụi phổi sau thời gian làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu cũng có thêm một trường hợp đã qua đời, cũng từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến.
Đó là anh Hồ Đức Hùng, sinh năm 1990, ở xã Quỳnh Đôi, làm công nhân tại Công ty từ năm 2017. Đến tháng 7/2020 thì sức khỏe dần sa sút, đi khám phát hiện ra bị bụi phổi. Vợ anh Hùng nói trong nước mắt: “Mỗi lần về thăm nhà, chồng tôi kể làm việc trong môi trường rất nhiều bụi, tôi vì thế sắm thêm khẩu trang cho chồng. Do chồng ngủ lại công ty luôn nên thi thoảng tôi có ghé vào thăm và chứng kiến cảnh bụi bám khắp nơi”.
Ông Hồ Viết Cầm, Giám đốc Công ty TNHH Châu Tiến cho rằng, những công nhân bị bụi phổi đã mất và đang điều trị đều đã nghỉ việc ở công ty này từ lâu, có người đã nghỉ hơn 1 năm. “Để mà khẳng định nguyên nhân do Công ty TNHH Châu Tiến, hay là nguyên nhân như thế nào nữa, thì phía công ty không đủ khả năng để đánh giá mà phải dựa vào cơ quan chức năng”, ông Cầm nói.
Trong khi đó, theo các công nhân, hầu hết họ có dấu hiệu sức khỏe sa sút hoặc đi khám phát hiện bị bụi phổi, không thể làm việc được nữa mới xin nghỉ. Trong đó, có trường hợp qua đời chỉ sau khi nghỉ việc 1 tháng.
Làng “bụi phổi”
Công ty cổ phần Than Khe Bố hiện có 120 công nhân, nhưng có đến 11 người mắc bệnh bụi phổi vẫn đang làm việc. Mỗi lần công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ, hầu như đều phát hiện công nhân bị mắc căn bệnh này.
Ông Lê Văn Vỹ (57 tuổi), làng Mỏ Than (xã Tam Quang, huyện Tương Dương) là một trong hàng chục người ở làng này đang mang trong mình căn bệnh bụi phổi silic. “Không có một thống kê chính thức nào, nhưng tính sơ qua cũng phải hơn 30 người ở cái làng này đang bị bụi phổi. Tất cả đều từng làm việc tại mỏ than Khe Bố”, ông Vỹ nói. Ông Vỹ hiện là Trưởng làng Mỏ Than. Năm ngoái, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An tổ chức giám định bệnh nghề nghiệp cho người làm việc tại Công ty cổ phần Than Khe Bố, kết quả cho thấy có 6 công nhân bị bụi phổi, được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp. Trong số này, có 5 người là con em làng Mỏ Than.
Khe Bố là mỏ than duy nhất ở Nghệ An có trữ lượng khá lớn, được khai thác suốt gần 100 năm qua. Làng Mỏ Than được hình thành bởi hầu hết người dân trong làng đều từ dưới xuôi lên làm công nhân.
Ông Vỹ vốn quê ở huyện Nam Đàn, năm 20 tuổi xin vào làm công nhân của mỏ than Khe Bố. Ông Vỹ kể, những năm làm việc dưới hầm lò mỏ than, ông trải qua nhiều bộ phận. Sau 8 năm làm việc trong hầm lò, năm 1994, ông Vỹ được đưa đi giám định và phát hiện bị mắc bệnh bụi phổi silic. Kết quả giám định cho thấy, ông bị tỷ lệ tổn thương cơ thể do bệnh nghề nghiệp là 31%. Tuy vậy, ông vẫn phải gắng gượng làm việc tại đây thêm 13 năm nữa.
“Hồi phát hiện bị bụi phổi, chỉ mới làm việc được ít năm nên nếu nghỉ việc thì không có chế độ lương hưu. Vì thế, vẫn phải tiếp tục làm việc như bình thường để mưu sinh. Năm 2003, tôi may mắn được đưa qua Trung Quốc rửa phổi. Nhìn 20 lít nước đen sì sau khi rửa xong phổi mà tôi ám ảnh tận bây giờ”. Năm 2007, khi mới 41 tuổi thì ông nghỉ hưu vì đủ thời gian đóng bảo hiểm và sức khỏe cũng không tiếp tục làm việc được nữa.
Có mặt tại mỏ than Khe Bố, chúng tôi chứng kiến cảnh bụi bay mù mịt. Mỗi lần công nhân bước ra từ hầm lò, áo quần thấm đẫm mồ hôi, bụi ướt dính từng lớp trên khuôn mặt nhem nhuốc.
“Dù thời tiết như thế nào thì cũng phải tắm nước nóng, vì chỉ có nước nóng thì mới đẩy bụi ra được. Mỗi lần làm việc trong hầm lò ra là bụi dính đầy người, đặc biệt là lỗ mũi, tai và mí mắt. Chúng tôi quen rồi” - một công nhân mắc bệnh bụi phổi nhưng vẫn đang làm việc dưới hầm lò nói.
Ông Hồ Tiến Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Than Khe Bố cũng bị bệnh bụi phổi suốt gần 20 năm qua. “Chắc vài ngày nữa tôi lại phải đi khám, chứ gần đây ho sặc sụa cả đêm. Phổi ngày càng xấu rồi”, ông Bình nói. Trước khi lên làm quản lý, ông Bình cũng có 15 năm liên tục làm việc trực tiếp dưới hầm lò mỏ than.
“Không chỉ tôi, mà nhiều lãnh đạo công ty trước đây cũng mắc bệnh bụi phổi. Chỉ cần 5 tháng làm việc trong hầm lò, nếu làm ở bộ phận có nhiều bụi mà không bảo vệ bản thân là có thể bị bụi phổi rồi. Nhiều lãnh đạo trước đây mặc dù đã đeo khẩu trang trong mỗi lần đi kiểm tra nhưng vẫn bị, vì trước đây chỉ có khẩu trang vải, chỉ có thể cản được 50% bụi thôi”, ông Bình nói thêm.
Ông Bình cho hay, mỏ than chính là môi trường làm việc tiềm ẩn nguy cơ cao về tai nạn lao động và bụi phổi. Đặc biệt, tại mỏ than Khe Bố đến nay vẫn chủ yếu là khai thác thủ công, nên rất nhiều bụi. “Điều đó là không tránh khỏi được. Hầu như lần nào đi khám sức khỏe cũng phát hiện có công nhân bị mắc bệnh bụi phổi. Như năm ngoái, có 6 người được giám định bụi phổi. Công ty phải bỏ ra gần 600 triệu đồng để bồi thường cho họ. Ngoài ra, họ còn được hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp hàng tháng. Do công ty cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ theo quy định, nên giúp công nhân phát hiện bệnh sớm hơn”, ông Bình nói.
Cũng theo vị Giám đốc này, thời gian gần đây, những vị trí phát sinh nhiều bụi đã được công ty lắp hệ thống phun sương, để hạn chế bụi nhưng vẫn không dập được hết. Chính vì thế, điều quan trọng nhất vẫn là trang bị cho người lao động đồ bảo hộ, đặc biệt là khẩu trang N95, mặt nạ. Trước khi vào hầm lò làm việc, cán bộ quản lý đều kiểm tra có mang đồ bảo hộ không, nếu thiếu phải vào nhà kho lấy. Nhưng khẩu trang cũng không thể ngăn cản được hết. Chưa kể, nhiều người lao động cũng vì bất tiện nên không chịu đeo khẩu trang. Chính vì thế, lãnh đạo công ty phải thường xuyên đi kiểm tra, nhắc nhở.