Điện về “lõi rừng”Trong khí trời se lạnh của tiết mùa khô Tây Nguyên, tôi cùng anh Lý Tòn Chuống, Trưởng thôn Bình Lợi, thong thả thả bước trên con đường cấp phối rộng thênh thang. Từ xa, trên đỉnh đồi cao nhất thôn, ngôi Trường Tiểu học Cư M’lan vững chãi ngập tràn ánh nắng; tiếng trẻ con ê a tập đọc vang vọng cả một vùng.
Anh Chuống cho biết: Bình Lợi nằm sâu trong tận “lõi rừng”, bốn bề được bao phủ bởi đồi núi. Thôn có 252 hộ dân gồm 1.214 nhân khẩu, 99% dân số là người dân tộc Dao, Tày... Trước đây, thôn chưa có đường, trường, trạm y tế và nước sạch, không hộ khẩu,… nhất là, cả thôn luôn hiu hắt trong ánh đèn dầu vì không có điện; cả thôn chỉ vài ba người biết chữ.
Nhưng bây giờ Bình Lợi đã đổi thay nhờ có điện. Tháng 12/2016, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã khởi công dự án lắp đặt hệ thống lưới điện về thôn Bình Lợi. Đến tháng 9/2017 công trình đã hoàn thành, đưa vào vận hành.
Chúng tôi dừng chân trước ngôi nhà sàn gỗ đơn sơ của anh Lý Văn Viền, chiếc ti vi được đặt trang trọng giữa nhà, cả chục ánh mắt chăm chú không rời. Anh Viền đầy phấn khởi cho biết: Di cư từ Lạng Sơn vào lập nghiệp tại thôn Bình Lợi từ năm 2006, sau hàng chục năm sống trong bóng tối, chỉ biết đến ánh đèn dầu, cây nến, giờ mong ước có nguồn điện chiếu sáng đã trở thành hiện thực. Bà con được xem ti vi, được nghe tiếng nói của mọi người khắp cả nước.
“Trước đây để có nguồn sáng, phải mua dầu thắp. Nhưng vì nghèo nên tiết kiệm tiền bạc phần lớn mọi hoạt động đều diễn ra trong bóng tối. Được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện đưa mạng lưới điện về từng thôn bản,… dân bản ai cũng vui và phấn khởi lắm”, anh Viền nói.
Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc Điện lực huyện Ea Súp cho hay, thôn Bình Lợi hiện tại đã được đầu tư hệ thống lưới điện, quy mô lưới điện sẽ cung cấp điện cho khoảng 250 hộ dân. Bây giờ về nơi đây, đi dọc từ đầu thôn đến cuối thôn đâu đâu cũng nghe bà con bàn tán về “điện”, có lẽ sau bao năm sống trong cảnh tù mù, ảm đảm, đây là niềm vui lớn của bà con.
Từng bước khởi sắcTrưởng thôn Lý Tòn Chuống bảo: Từ chủ trương của xã khuyến khích chuyển đổi cơ cấu sản xuất, rất nhiều hộ dân nơi đây đã mạnh dạn hưởng ứng. Thay vì trồng hoa màu ngắn ngày như lâu nay, giờ người dân thôn Bình Lợi đã chuyển sang trồng điều, tiêu và cà phê để phát triển kinh tế gia đình. Bình Lợi hôm nay không còn những mái nhà tranh phên nứa tạm bợ mà thay vào đó là những ngôi nhà gỗ mái ngói đỏ tươi, mái bằng kiên cố.
Anh Bế Văn Long (sinh 1985, thôn Bình Lợi) đang tỉa cành cho tiêu chia sẻ: Bình Lợi có địa thế đất đai màu mỡ rất phù hợp cho các loại cây ngắn và dài ngày. Có điện đã giúp bà con tiếp cận thông tin khoa học, kỹ thuật qua nhiều phương tiện thông tin để phục vụ cho sản xuất và đời sống. Với 3ha đất nông nghiệp, gia đình anh đầu tư trồng hơn 5.000 trụ tiêu và hơn 2.000 trụ đã cho thu hoạch. Mỗi năm trừ hết chi phí còn dư khoảng 600 triệu đồng.
“Sau 2 năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đời sống bà con đã từng bước thay đổi. Có điện, đường, trường, bà con đã yên tâm làm kinh tế, cải thiện cuộc sống chứ không bám rừng để sống nữa”, anh Long phấn khởi nói.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu mới trồng, anh Hoàng Văn Nghĩa, dân tộc Tày cười tươi: Gia đình có hơn 3.800 trụ tiêu, trong đó có 2.000 trụ đã cho thu hoạch từ 4 đến 5 tấn/năm, trừ tất cả chi phí gia đình anh còn 400-500 triệu/năm.
Theo Trưởng thôn Lý Tòn Chuống, từ một thôn được biết đến với “5 không”, đến nay, diện mạo thôn Bình Lợi, đã chuyển mình. Tuy nhiên, ông vẫn trăn trở “Bây giờ cuộc sống đã khấm khá, người dân chỉ mong muốn được có hộ khẩu để không bị gọi là “người rừng”.
Chia tay bản vùng cao Bình Lợi khi ánh hoàng hôn đã phủ kín cả núi rừng. Ngoài đường, gió khẽ lùa qua, những bếp lửa hồng của mỗi ngôi nhà thơm nồng mang hương sắc xuân về với mọi nhà. Tôi thầm mong, mới đến, những ước mơ rất chính đáng của người dân Bình lợi sẽ sớm được các cấp ngành có liên quan giải quyết.
ĐỖ QUYÊN