Biến dạng vì “cách tân”Chỉ cần vào mục “tìm kiếm” trên Google, chỉ trong hơn 0,5 giây, hệ thống tìm kiếm đã cho ra 9,1 triệu kết quả liên quan đến những “khoảng trống” trong bảo tồn văn hóa truyền thống. Thực trạng này cũng đã được nêu lên trong nghị trường Quốc hội, tại các diễn đàn, hội nghị, hội thảo,… được tổ chức thường niên trong những năm qua.
Một trong những “đóng góp” cho sự mai một của nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS là sự “cách tân” khá nặng tay trong việc triển khai công tác bảo tồn của chính quyền một số địa phương.
Lấy việc bảo tồn nhà Gươl của đồng bào Cơ-tu ở Nam Giang (Quảng Nam) làm ví dụ. Theo kiến trúc truyền thống của đồng bào Cơ Tu, dù có nhiều loại nhà Gươl khác nhau nhưng tất cả vẫn tuân theo một mô típ nhất định về vật liệu tranh, tre, gỗ (khung gỗ, sàn gỗ, mái lợp lá, tranh…). Đặc biệt ở mỗi nhà Gươl là cây cột cái ở giữa nhà với các hình điêu khắc, trang trí biểu tượng cái trục của làng.
Nhưng ở nhiều nhà Gươl được xây mới, kiến trúc truyền thống không còn được tuân thủ. Như công trình nhà Gươl ở xã Cà Dy (Nam Giang), với tổng mức đầu tư gần 4,7 tỷ đồng, nhà Gươl có kết cấu với móng, dầm, sàn bê tông cốt thép, tường xây gạch, hệ thống cửa gỗ, mái bê tông được lợp tôn phía trên. Đây cũng là “diện mạo” mới của rất nhiều nhà Gươl ở Quảng Nam hiện nay.
Cũng ngay tại xã Cà Dy, một công trình nhà Gươl khác cũng bị “cách tân” đến mức không thể nhận ra được-đó là nhà truyền thống các dân tộc của huyện Nam Giang, được xây dựng năm 2009, tổng vốn hơn 3 tỷ đồng. Công trình mang dáng dấp nhà Gươl, nhưng được xây bằng vật liệu bê tông cốt thép, lợp tôn sắt, lát gạch men, trang trí bằng đèn chùm kiểu nhà phố... Thậm chí ngoài cửa còn đặt 2 bức tượng sư tử đá-vốn là linh vật ngoại lai, không ăn nhập gì với văn hóa truyền thống của đồng bào.
Chông chênh giữa mới và cũ
Không chỉ nhà Gươl của đồng bào dân tộc Cơ-tu, Giẻ-triêng… mà nhiều giá trị văn hóa vật thể truyền thống khác của đồng bào các DTTS đang bị biến dạng trong quá trình bảo tồn. Đáng suy ngẫm là, cùng với quá trình xây dựng NTM, các địa phương vùng DTTS và miền núi đã và đang tiếp cận, hình thành đời sống văn hóa mới. Tuy nhiên, khi những giá trị văn hóa mới chưa định hình rõ nét thì nhiều giá trị văn hóa cũ đang dần biến mất.
Lấy thôn Kon Hring (xã Đăk Blà, TP. Kon Tum) làm ví dụ. Thôn có khoảng 110 hộ; tính đến tháng 11/2018, toàn thôn còn 32 hộ nghèo, 83 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 66 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa 3 năm liên tục; 100% hộ dân thực hiện tốt quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội.
Nhưng thôn Kon Hring đang dần vắng bóng tiếng cồng chiêng-linh hồn văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Lâu nay, thôn chỉ có duy nhất một bộ cồng chiêng của gia đình ông A Ta; mỗi khi thôn hoặc gia đình nào “có việc” đều mượn bộ cồng chiêng này. Dùng nhiều nên bộ cồng chiêng hư hỏng nặng, không sử dụng được nữa. Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2018 (tổ chức ngày 8/11), thôn Kon Hring không còn vọng tiếng cồng chiêng.
Sự chông chênh giữa nền văn hóa mới chưa được định hình rõ nét với nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần biến mất trong nhiều cộng đồng DTTS đang ngày càng lộ diện. Xét theo phương diện quy luật thì sự phát triển của xã hội tất yếu sẽ kéo theo sự thay đổi của văn hóa. Tuy nhiên cũng không nên dựa vào xu thế này để lý giải cho tình trạng nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS đang bị biến dạng, mai một như hiện nay.
Thực tế những năm qua, các địa phương miền núi cũng đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn văn hóa của đồng bào các DTTS. Những kết quả đạt được cũng rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để hồi sinh các giá trị văn hóa truyền thống, không bị biến dạng những người làm công tác văn hóa cần phải tính toán rõ ràng giữa các loại hình một cách khoa học, cái nào cần giữ lại và cái nào không nên giữ, hoặc cách tân như thế nào cho đảm bảo tính truyền thống.
Đặc biệt, để công tác bảo tồn văn hóa trong đồng bào DTTS đạt hiệu quả, ngoài các chính sách đặc thù của địa phương, nhất thiết cần phải dựa vào cộng đồng, dựa vào tiếng nói của các già làng, trưởng bản, những Người có uy tín trong đời sống của đồng bào vùng cao. Bởi chính họ là những chủ thể văn hóa có yếu tố quyết định trong việc khôi phục và gìn giữ bản sắc của đồng bào mình.
SỸ HÀO