Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tăng cường kiểm tra các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn huyện Kon Plông; các chủ hồ đập tăng cường kiểm tra, nếu có những sự cố thì khẩn trương khắc phục để bảo đảm an toàn công trình. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Viện Vật lý địa cầu khảo sát, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trên địa bàn huyện Kon Plông.
UBND huyện Kon Plông chỉ đạo các xã phối hợp với các chủ đập thủy điện hướng dẫn cho người dân biện pháp ứng phó khi động đất xảy ra; trong đó, củng cố lực lượng xung kích để kịp thời giúp đỡ người dân khi có động đất.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các Công ty Thủy điện: Thượng Kon Tum, Đăk Đrinh và Thiên Tân theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, kịp thời thông tin đến các cơ quan chức năng và người dân để chủ động phòng ngừa, ứng phó. Tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình động đất tương ứng đến mực nước dâng hồ thủy điện do đơn vị quản lý, báo cáo về cơ quan chức năng; kiểm tra độ an toàn ứng với các trường hợp giả định các cấp động đất khác nhau và các mực nước hồ từ ngưỡng tràn đến mực nước dâng bình thường. Trên cơ sở đó bổ sung quy trình vận hành, ứng phó động đất để bảo vệ an toàn đập khi có xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc sự cố gây mất an toàn đập.
Trong 2 ngày (28 - 29/7), đã có hơn 50 trận động đất xảy ra ở khu vực huyện Kon Plông (Kon Tum), với độ lớn từ 2.5 - 5.0. Đặc biệt, trận động đất trưa 28/7 với độ lớn 5.0, gây rung chấn mạnh cho khu vực tâm chấn là huyện Kon Plông, khiến nhiều nhà dân và trụ sở các cơ quan nứt nẻ. Các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung như: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều cảm nhận được rung chấn của trận động đất này.