Nhiều mô hình mới và cách làm hiệu quả
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khu vực biên giới tỉnh Kon Tum đã đạt được những kết quả tích cực, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả.
Anh A Biên, dân tộc Gié Triêng ở thôn Đăk Ôn (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei) cho biết: Trước đây, do điều kiện kinh tế gia đình quá khó khăn, thuộc diện hộ nghèo nên anh thường vào rừng chặt cây, phá rừng. Từ khi có Thượng úy Xiêng Văn Bức, nhân viên Đội vận động quần chúng (Đồn Biên phòng Đăk Long) kết nghĩa với gia đình, anh A Biên thường xuyên được truyên truyền, giáo dục pháp luật. Anh và gia đình đã hiểu và dần thay đổi hành vi, không vào rừng chặt cây nữa. Thượng úy Xiêng Văn Bức còn định hướng, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế, đến nay gia đình anh A Biên đã trồng được 1 ha cà phê, 4 ha mì và 1 ha lúa rẫy, gia đình đã thoát nghèo, các con đều được học hành chu đáo. “Nếu không có sự kết nghĩa với Thượng úy Xiêng Văn Bức và sự giúp đỡ của các anh em trong Đồn Biên phòng Đăk Long thì chắc gia đình không thể có cuộc sống ổn định như ngày hôm nay”, Anh A Biên bộc bạch.
Thông qua việc thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”, hệ thống chính trị các xã biên giới hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; nhận thức chính trị, pháp luật được nâng lên rõ rệt; các hủ tục, phong tục lạc hậu dần được xóa bỏ; đời sống cán bộ, Nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo tren địa bàn các xã biên giới đã giảm xuống còn 11,20%. Hiện, đã có 04 xã/13 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới.
Già làng A Lào ở thôn Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết: Nhờ có Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động nên bà con trong thôn đã hiểu biết hơn về pháp luật, tình trạng vi phạm pháp luật đã giảm rất nhiều. Đặc biệt, Bộ đội Biên phòng và cán bộ còn tham gia hỗ trợ, hướng dẫn bà con cách làm kinh tế. Giờ đây, đời sống bà con thay đổi rất nhiều, không còn tình trạng đói, nghèo như trước.
Chung tay bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia
Chính từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã giúp đồng bào ở khu vực biên giới nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ biên giới quốc qua. Đồng bào đã tích cực tham gia thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.
Theo ông Tống Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, khi thực hiện phong trào thì xã lựa chọn những gia đình tiêu biểu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp của Nhà nước, có uy tín, có tiếng nói trong cộng đồng dân cư, có tinh thần trách nhiệm và sự nhiệt tình để tham gia cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng bảo vệ đường biên, cột mốc.
Đến nay, có 56 tập thể, 143 hộ gia đình, 119 cá nhân ở 13 xã biên giới của tỉnh Kon Tum đăng ký tham gia tự quản đường biên cột mốc; 125 tổ, với hơn 700 cá nhân tham gia tự quản an ninh trật tự thôn, làng. Qua đó, các tập thể, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn biên giới đã phát huy vai trò trách nhiệm của mình và mạnh dạn cung cấp thông tin với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời những vụ việc vi phạm pháp luật.
“Chúng tôi rất vinh dự và tự hào khi được tham gia cùng với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đi tuần tra bảo vệ biên giới, bảo vệ cột mốc. Dù trời mưa gió gian khổ đến đâu thì chúng tôi vẫn đi. Ngoài ra, những lúc đi làm rẫy thì chúng tôi cũng ghé kiểm tra những cột mốc có hư hỏng gì không, khu vực biên giới có vấn đề gì thì chúng tôi kịp thời báo với Đồn Biên phòng, chính quyền xã để giải quyết kịp thời”, ông Trần Kiều Hưng ở thôn Tà Ka, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi chia sẻ.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện Đề án, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng chủ động phối hợp với cấp ủy,chính quyền địa phương tiếp tục duy trì các mô hình, cách làm hiệu quả của Đề án. Tiêu biểu như: Chào cờ đầu tuần; tiếng loa biên phòng; tủ sách pháp luật. Xâydựng các mô hình giúp đỡ đồng bào các DTTS phát triển kinh tế; tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ các hủ tục, phong tục lạc hậu. Triển khai có hiệu quả Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức “phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.