Vùng cao Hà Giang là một trong những địa phương có rất nhiều đặc sản nức tiếng gần xa như: Chè Lũng Phìn, mật ong bạc hà Đồng Văn, thịt trâu gác bếp cao nguyên đá…Vì là đặc sản nên những sản phẩm này vốn rất hiếm và rất đắt. Thế nhưng, chỉ cần dừng xe khách ở bất cứ điểm nào trên địa phận Hà Giang, người ta thấy nhan nhản các sản phẩm này với bao bì bắt mắt và giá thì rất “phải chăng”. Bản thân tôi cũng đã có lần mua thử một túi chè đặc sản Lũng Phìn ở trạm nghỉ xe khách với giả chỉ 100 ngàn đồng/ nửa cân. Thế nhưng, khi về nhà pha không thể uống được. Loại chè này đắng ngòm, không có mùi thơm đặc trưng.
Không chỉ xuất phát từ những người bán hàng mà tư duy ăn xổi còn xâm lấn vào nhiều nơi sản xuất. Ví dụ như đặc sản “nem chua Thanh Hóa” đã trở thành một thương hiệu từ lâu. Thế nhưng, trong nhiều cơ sở sản xuất có không ít các cơ sở không đảm bảo chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Và khi gắn mác “nem chua Thanh Hóa” đã thực sự ảnh hưởng chung tới toàn bộ thương hiệu đặc sản này.
Có thể nói, trong nền kinh tế thị trường, sức cạnh tranh lớn như hiện nay, người dân cần xóa bỏ tư duy ăn xổi, nâng cao ý thức giữ gìn thương hiệu. Để làm được điều này, trước tiên, người sản xuất cần chú trọng vào giá trị cốt lõi của sản phẩm.
Đồng thời, người dân cần chủ động hơn trong việc đăng ký thương hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình. Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường rà soát và bảo hộ thương hiệu. Theo đó, cơ quan chuyên môn, nhất là lực lượng quản lý thị trường cần kiên quyết với các hàng giả, hàng nhái, loại bỏ các sản phẩm này ra khỏi thị trường, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Khi nào các thương hiệu nông sản “sống khỏe” mới giúp người dân thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu thật sự.