Anh Dũng cho biết, trước khi đến với cây cau, gia đình đã trồng rất nhiều loại cây khác trong vườn nhà, như mía, vải, chanh... tuy nhiên vì không hợp với khí hậu, giá bán bấp bênh có năm còn bị lỗ. Anh Dũng quyết định tìm hướng đi khác với mục tiêu mang lại thu nhập cho gia đình để bớt khó khăn. Nhận thấy cây cau mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh bắt đầu tìm hiểu để trồng cau.
Theo đó, năm 2006, anh trồng thử 1.200 cây cau trên diện tích 10 sào. Đến năm 2011 cau bắt đầu cho thu hoạch. Dần dần thấy cau phát triển và cho thu hoạch tốt, giá cau trên thị trường cũng ổn định, nên anh đã quyết định chuyển hẳn sang mở rộng trồng cau trên diện tích đất gia đình đang có.
Hiện anh đang cho ươm khoảng 7 vạn cây giống với giá bán 25.000 đồng/cây, bán quả cau làm giống thì 10.000 đồng/quả. Cả tiền bán cau giống và cau thương phẩm ước tính năm nay (2022) được khoảng 1 tỷ đồng.
Mô hình trồng cau của anh Dũng tạo việc làm thời vụ cho khoảng 10 lao động là người địa phương với thu nhập 170.000 đồng/ngày.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình trồng cau của mình, anh Dũng cho biết trồng cau không khó, cây cau không sợ nóng, chỉ sợ rét. Những năm gần đây giá cau luôn ổn đinh, có giá thu mua cao. Với suy nghĩ “tấc đất tấc vàng” nhưng đất đó có ra vàng hay không còn phụ thuộc vào bàn tay người sở hữu nó. Anh Dũng cho rằng làm bất kể việc gì cũng phải phải có đầu tư và kiên trì thì mới cho thu hoạch theo ý muốn, đó mới là phát triển kinh tế bền vững.