Ông T.V.H., 74 tuổi, ở xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân (Bình Định) có tài sản là nhà, đất và 5 người con (2 trai, 3 gái). Khi phân chia tài sản, ông H. không dành phần cho 3 người con gái vì quan niệm “con gái lấy chồng hết quyền lợi”. Các con gái khiếu nại đòi được chia tài sản, nhưng không gửi đơn tới tòa án để giải quyết theo đúng quy định pháp luật, mà liên tục “dí” đơn tới cấp xã.
Sau đó, đoàn TGPL lưu động về xã Ân Nghĩa tìm hiểu, phân tích, giải thích cặn kẽ các quy định về thừa kế, phân chia tài sản cho những người trong gia đình ông H. biết. Qua gần 1 giờ đồng hồ, ông H. và các người con đã vỡ lẽ, đồng ý phân chia tài sản thừa kế theo đúng quy định pháp luật, không phải “dắt” nhau ra tòa.
Ông Phạm Minh Vương, Trưởng Chi nhánh TGPL số 4 (đặt tại huyện An Lão), nhìn nhận: Đối với người dân ở các xã miền núi, những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống chủ yếu do trình độ dân trí, kiến thức pháp luật còn hạn chế. Nhiều khi, quyền lợi hợp pháp của người dân bị xâm phạm nhưng họ không biết tìm đến đâu để được giải quyết. Thông qua hoạt động TGPL lưu động, sau khi nghe bà con trình bày, các Trợ giúp viên pháp lý phân tích hợp tình, đúng lý, giúp hòa giải, tháo gỡ nhiều vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn kéo dài.
Theo Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Định, năm 2019, Trung tâm và các chi nhánh thực hiện TGPL 2.486 việc, vụ việc cho những người có yêu cầu. Ngoài ra, còn tổ chức TGPL cho người dân ở 52 điểm thôn, làng, khu dân cư tại các xã nghèo, đặc biệt khó khăn, các xã bãi ngang vùng ven biển trên địa bàn tỉnh với gần 2.300 lượt người tham dự. Kết hợp tổ chức hơn 180 buổi tuyên truyền pháp luật lưu động tại 174 điểm, thôn, làng, khu dân cư với hơn 9.000 lượt người tham dự.
Mới đây, Trung tâm TGPL đã tổ chức đợt TGPL lưu động tại làng Hiệp Tiến, xã Canh Hiệp (huyện Vân Canh) để tuyên truyền, phổ biến đến bà con DTTS những quy định pháp luật, liên quan thiết thực trong cuộc sống hằng ngày. Những quy định về đất đai, lâm nghiệp, bảo vệ rừng; hôn nhân và gia đình; bạo lực gia đình… được các trợ giúp viên pháp lý và luật sư cộng tác viên trình bày cụ thể, rõ ràng giúp người dân “ứng dụng” vào cuộc sống; không thực hiện những hành vi, việc làm vi phạm pháp luật.
Ông Lương Trọng Lượng, Trưởng làng Hà Lũy, xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) chia sẻ: Việc tổ chức TGPL lưu động để phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến bà con nơi đây là rất cần thiết; giúp bà con hiểu biết pháp luật, tránh những tranh chấp, mâu thuẫn không đáng có trong cuộc sống hằng ngày.
Ông Phan Văn Hùng, Trưởng phòng Pháp luật dân sự - đất đai, thuộc Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh, cho biết: Đến nay, 159 xã với hàng nghìn thôn, làng trên địa bàn tỉnh đều có bước chân của những người làm công tác TGPL. Hoạt động TGPL lưu động đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho bà con.
Đến nay, 159 xã với hàng nghìn thôn, làng trên địa bàn tỉnh đều có bước chân của những người làm công tác TGPL. Hoạt động TGPL lưu động đã góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho bà con”.
Ông Phan Văn Hùng,
Trưởng phòng Pháp luật dân sự - đất đai, Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh Bình Định.