Biểu diễn võ cổ truyền Bình ĐịnhTheo đó, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ Di sản “Võ cổ truyền Bình Định” tới UNESCO, bảo đảm thời gian theo quy định của Công ước về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể 2003 và pháp luật về di sản văn hóa.
Nếu lấy mốc từ thời Tây Sơn, tức là lúc võ Bình Định được nâng lên đỉnh cao, hình thành một phong cách đặc biệt cho môn phái này thì võ Bình Định đã có hơn 200 năm hình thành và phát triển. Ở thời Tây Sơn, võ Bình Định được ứng dụng triệt để trong luyện tập binh sĩ. Và hiệu quả của nó là những chiến công hiển hách đã được ghi vào quốc sử. Ngoài ra, võ Bình Định còn có một sức lan toả rộng rãi trong mọi tầng lớp Nhân dân.
Đến những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, võ Bình Định lại tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới. Giai đoạn này, do đất nước có nhiều biến động nên nhu cầu tự vệ trong Nhân dân càng tăng. Gia đình có một người biết võ là truyền dạy cho anh em, con cháu để tạo thêm sức mạnh. Và người luyện võ được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt của gia đình, từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, thuốc men chữa bệnh… Bởi vậy, võ Bình Định càng mang tính phổ cập rộng rãi. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà người ta hay nói rằng, hễ là người Bình Định là có võ… Sau ngày đất nước thống nhất, võ Bình Định vẫn giữ nguyên nét độc đáo cổ truyền và chiếm được lòng ngưỡng mộ của quần chúng.
Võ cổ truyền Bình Định có nhiều chiêu thức đẹp mắt, độc đáoĐể giữ gìn và phát huy nét văn hóa quý báu của dân tộc, công tác bảo tồn và phát huy giá trị võ cổ truyền Bình Định luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện nhiều đề tài, đề án bảo tồn và phát huy giá trị Võ cổ truyền Bình Định. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ võ sư, huấn luyện viên để truyền dạy cho thế hệ kế cận được chú trọng.
Cùng với đó, công tác quảng bá võ cổ truyền Bình Định được đẩy mạnh thông qua các chương trình, giải đấu trong nước và quốc tế. Đặc biệt, Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm một lần tại Bình Định, là nơi giao lưu võ cổ truyền giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với võ cổ truyền Bình Định, qua đó đã góp phần quảng bá rộng rãi võ cổ truyền Bình Định đến với bạn bè khu vực và quốc tế.
Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.