Nhưng cũng như bao làng nghề truyền thống, Mỹ Nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức khi nghề dệt nơi đây đang có nguy cơ mai một, thất truyền.
Người trẻ ít theo nghềNgoài 30 tuổi nhưng có tới 15 năm theo nghề dệt thổ cẩm Chăm truyền thống, Thiên Thị Mỹ Thuận, cô gái Chăm ở làng Mỹ Nghiệp là một trong số ít những người đang cố gắng để níu giữ “hồn Chăm” trên từng sợi vải, sợi lanh.
Từ nhỏ Thuận đã được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm, lên đến lớp 6, lớp 7 Thuận đã có thể dệt thành thạo hoa văn trên một chiếc đai lưng (hoàn toàn bằng tay). Nhưng để có được một sản phẩm đẹp phải mất nhiều thời gian. Một ngày chỉ có thể dệt được khoảng 1m dài (đối với chiếc dây đai có chiều rộng chừng 20cm). Chiếc dây đai đó có thể bán được khoảng 300 ngàn đồng.
“Vì lòng yêu nghề nên tôi vào HTX để níu giữ nét truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa, hồn cốt của đồng bào Chăm. Tôi mong mỏi nghề dệt truyền thống sẽ được nhân rộng, sẽ được gìn giữ đến nhiều đời sau”, Mỹ Thuận tâm sự.
Hiện, cả hai vợ chồng Thuận đều làm việc tại HTX nhưng mỗi tháng cũng chỉ kiếm được chừng 3-4 triệu đồng. Với thu nhập như vậy, hai vợ chồng Thuận vẫn phải cấy cày, chăn nuôi để đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày…
Được biết, làng Mỹ Nghiệp hiện còn khoảng 500 thợ dệt lành nghề nhưng chỉ khoảng 30 hộ (mỗi hộ hai người) tham gia vào HTX Dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, nghề dệt thổ cẩm Chăm truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một, bởi lứa trẻ hiện nay ít quan tâm đến nghề dệt truyền thống. Một số mải đi làm ăn xa hoặc còn mải học tập, ít quan tâm đến nghề dệt truyền thống của dân tộc Chăm.
“Dù rất muốn bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống nhưng chỉ mỗi cá nhân nỗ lực thì chưa đủ. Cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước từ việc đầu tư máy móc, thiết bị, tìm đầu ra cho sản phẩm, có các chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân để “thắp lửa nghề”, Mỹ Thuận trăn trở.
Bài toán phát triển nghề truyền thốngĐược biết, khoảng 3 năm trước, ông Nguyễn Chí Dũng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ 300 triệu đồng để khôi phục làng nghề. Tỉnh Ninh Thuận cũng đã đầu tư 11 tỉ đồng để xây nhà trưng bày, HTX sản xuất thổ cẩm tại làng Mỹ Nghiệp, nhưng tất cả cũng chỉ mới dừng ở đó.
Hiện, sản phẩm thổ cẩm Mỹ Nghiệp mới chỉ được bán lẻ ngay tại làng cho khách du lịch nhưng bán rất chậm. Những người làm nghề chưa thể sống được với nghề cũng là điều trăn trở của các cấp chính quyền, các nhà quản lý sản xuất.
Ông Đỗ Văn Minh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Thuận cho biết: Việc quảng bá thương hiệu thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm để nghệ nhân sống được với nghề là điều cần thiết nhất hiện nay. Như vậy, mới có thể khơi dậy đam mê, nhiệt huyết cho nghệ nhân, mới thu hút được lớp trẻ tham gia bảo tồn, phát triển nghề truyền thống này.
Bà Thuận Thị Chào, một nghệ nhân của làng nghề chia sẻ: Nghề dệt thổ cẩm Chăm Mỹ Nghiệp có nét cuốn hút, đặc sắc và giá trị riêng bởi sản phẩm được làm hoàn toàn bằng tay. Những người phụ nữ Chăm phải cần mẫn luồn từng sợi chỉ dệt thổ cẩm, có khi mất mấy ngày mới xong một sản phẩm. Hiện nay, ở Mỹ Nghiệp đã có khoảng 20 hộ đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền để sản xuất thổ cẩm hàng loạt.
Thổ cẩm công nghiệp có lợi thế hơn sản phẩm truyền thống là dệt nhanh hơn, hoa văn đẹp hơn, đều hơn, giá cả lại rẻ hơn. Cì vậy, nhiều khi bị cuốn hút bởi sự phong phú, đa dạng của những sản phẩm công nghiệp đó.
Giải pháp níu giữ làng nghề Mỹ Nghiệp tiếp tục phải được các cấp chính quyền sở tại và người dân tính toán kỹ lưỡng hơn.
MINH THU