Đưa chính sách nhanh chóng đến người thụ hưởng
Tính đến tháng 8/2021, TP. Cần Thơ có trên 4.500 đơn vị đang tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn (trong đó, khoảng 1.500 đơn vị hành chính sự nghiệp và gần 3.400 DN). Tổng số lao động đến giữa tháng 8, là trên 127.000 lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hiện có khoảng 95% DN đang phải tạm dừng hoạt động, nhu cầu giải quyết các vấn đề thủ tục liên quan đến BHXH, thực hiện gói an sinh lần 2 là rất lớn. Trong bối cảnh đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục gói an sinh lần 2, sẽ góp phần đưa chính sách nhanh chóng đến người thụ hưởng. Ðồng thời, cách làm này cũng bảo đảm công khai, minh bạch, đúng người, không trùng lặp và ngăn trục lợi chính sách. Làm thủ tục trực tuyến còn giúp giảm việc đi lại, tiếp xúc của người dân, DN với cơ quan BHXH, qua đó, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng...
Theo đó, BHXH TP. Cần Thơ đã nhận được trên 3.600 đơn vị gửi thông báo yêu cầu, giảm mức đóng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho gần 91.000 lao động, tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng 12 tháng, là hơn 30,1 tỷ đồng. Cùng với đó, việc thực hiện các nội dung theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg cũng đang được tiến hành trực tuyến.
Kết quả, BHXH TP. Cần Thơ đã tiếp nhận, giải quyết 2 đơn vị (với 115 lao động) tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, số tiền được tạm dừng đóng gần 890 triệu đồng. Trên 3.600 đơn vị được giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Có 51 đơn vị với gần 890 lao động được xác nhận tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; 1 đơn vị với 16 lao động được xác nhận ngừng việc; 2 đơn vị với 34 lao động được xác nhận ngừng việc do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
An toàn và thuận tiện
Theo lãnh đạo BHXH TP. Cần Thơ, để sử dụng các dịch vụ công của gói an sinh lần 2 này, NLÐ và DN đăng nhập Cổng Dịch vụ công quốc gia, làm theo hướng dẫn. Sau khi hoàn thành kê khai và nộp hồ sơ trực tuyến, Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ chuyển dữ liệu đến cơ quan BHXH xác nhận. Sau đó, BHXH gửi lại xác nhận để Cổng Dịch vụ công quốc gia chuyển hồ sơ trực tuyến đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và trả kết quả.
Anh Lê Hoài Phong, ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ) cho biết: “Chỉ cần thao tác trên điện thoại, dù ở nhà tôi vẫn có thể dễ dàng thực hiện các thủ tục, để có thể nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ trên cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam. Theo tôi, việc ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các thủ tục hành chính, vừa giúp người dân đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch, vừa nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết để được nhận hỗ trợ”.
Hiện tại, nhằm đáp ứng nhu cầu giải quyết các thủ tục của người dân BHXH Việt Nam đã chủ động xây dựng quy trình, điều chỉnh các phần mềm nghiệp vụ, bổ sung chức năng về chính sách hỗ trợ về BHXH, BHTN của gói an sinh lần 2.
Đồng thời, cung cấp 6 dịch vụ công của gói an sinh lần 2 trên cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam gồm: Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; hỗ trợ DN đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương; hỗ trợ lao động ngừng việc; hỗ trợ DN vay vốn để trả lương; giải quyết giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam phối hợp Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan kết nối, tích hợp cung cấp 5/7 dịch vụ trực tuyến trong gói an sinh lần 2 trên cổng Dịch vụ công quốc gia.
Các dịch vụ được cung cấp: Hỗ trợ lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, mất việc làm; hỗ trợ DN vay vốn để trả lương; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất…