Ngày 27/2, ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai và tăng cường phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm độc lực cao A/H5N1. Các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang cũng đều chỉ đạo các đơn vị, địa phương ra quân tổng kiểm tra, rà soát hoạt động chăn nuôi gia cầm trên địa bàn. Những nơi giáp biên giới với nước bạn Campuchia thì bố trí tổ công tác túc trực để kịp thời xử lý các tình huống phát sinh.
Theo đó, các ngành chức năng đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh tại các cửa khẩu, cơ sở y tế, và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức cho người dân biết về cách nhận biết, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm A/H5N1, nhất là khu vực biên giới, cửa khẩu theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Các bệnh viện công và tư nhân giám sát phát hiện sớm các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Trong đó, chú ý các trường hợp có tiền sử đi, đến, ở từ vùng dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1.
Các đơn vị thường xuyên tuần tra giám sát đường biên giới với Campuchia kể cả các đường mòn lối mở, không để xảy ra tình trạng gia cầm bệnh nhập khẩu vào Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam từ Campuchia và có biện pháp dự phòng phù hợp đối với các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ cúm để hạn chế lây lan dịch bệnh.
Đồng bằng sông Cửu Long có đường biên giới với Campuchia khoảng 400 km (Long An 140 km, Đồng Tháp 100 km, An Giang 100 km, Kiên Giang 60 km). Hiện các cửa khẩu đều bố trí kho trung chuyển để kiểm dịch đối với không chỉ gia cầm, mà cả gia súc xuất nhập khẩu. Ngoài ra, còn bố trí phòng đo thân nhiệt (từ trước khi bùng phát đại dịch Covid-19) để sớm phát hiện triệu chứng ở người nhiễm cúm A/H5N1.
Lâu nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu xuất bán thịt heo, gà, vịt sang Campuchia, ít khi nhập trở lại. Riêng 2 tỉnh An Giang, Kiên Giang có nhập trâu, bò nguyên con còn sống qua để nuôi vỗ béo. Theo quy định hiện nay, trâu, bò nhập khẩu đều phải cách ly 15 ngày, giám sát chặt chẽ dịch bệnh, hoàn thành tiêm ngừa rồi mới đưa đi khỏi khu vực biên giới.