Điều tra tính đến ngày 1/4 cho thấy, hầu hết hộ dân cư ở Việt Nam đang sống trong các ngôi nhà kiên cố hoặc bán kiên cố (93,1%). Tỷ lệ này ở khu vực thành thị đạt 98,2%, cao hơn 7,9 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn (90,3%). Diện tích nhà ở bình quân đầu người năm 2019 là 23,5m2/người, cao hơn 6,8m2/người so với 10 năm trước.
Cư dân thành thị có diện tích nhà ở bình quân đầu người cao hơn cư dân nông thôn, tương ứng là 24,9m2/người và 22,7m2/người. Không có sự chênh lệch đáng kể về diện tích nhà ở bình quân đầu người giữa các vùng kinh tế-xã hội.
Ngoài ra, một số chỉ tiêu chính về kết quả sơ bộ của cuộc tổng điều tra năm 2019 như: tổng số dân của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 1.4.2019 là hơn 96,2 triệu người, trong đó dân số nam là 47,88 triệu người (chiếm 49,8%) và dân số nữ là 48,32 người (chiếm 50,2%).
Với kết quả này, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á.
Về cơ cấu dân tộc, hiện toàn quốc có hơn 82 triệu người dân tộc Kinh, chiếm 85,3% và hơn 14,1 triệu người thuộc các DTTS khác, chiếm 14,7% tổng dân số của cả nước.
Theo kết quả sơ bộ tổng điều tra dân số, toàn quốc có khoảng 91,7% dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện đang đi học. Tỷ lệ này của nữ cao hơn so với nam, tương ứng là 92,5% và 90,8%. Trong vòng 20 năm qua, tỷ trọng dân số trong độ tuổi đi học phổ thông hiện không đi học (chưa bao giờ đi học hoặc đã thôi học) giảm đáng kể, từ 20,9% năm 1999 xuống còn 16,4% năm 2009 và còn 8,3% năm 2019.
Cả nước có 95,8% người dân từ 15 tuổi trở lên biết đọc biết viết, tăng 1,8 điểm phần trăm so với năm 2009. Tỷ lệ nam giới biết đọc biết viết đạt 97,0%, cao hơn 2,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ này ở nữ giới. Trong 20 năm qua, tỷ lệ biết đọc biết viết của nữ tăng 7,7 điểm phần trăm; khoảng cách chênh lệch về tỷ lệ biết đọc biết viết giữa nam và nữ được thu hẹp đáng kể…
PV